27/10/2016
Mặc dù đã được dự báo trước, nhưng con số kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng đầu năm chỉ đạt 3,8 tỉ USD vẫn là điều đáng lo ngại, bởi hơn thế nữa con số đó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới mục tiêu 72 tỉ USD, tăng trưởng 13% trong năm 2009.
Xuất khẩu (XK) tháng 1/2009 ước tính chỉ đạt 3,8 tỉ USD, giảm 18,6% so với tháng 12/2008 và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu phân theo khu vực kinh tế, kim ngạch hàng hoá XK của khu vực kinh tế trong nước đạt 1,7 tỉ USD, giảm 21,9% so với tháng 1/2008; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 1,7 tỉ USD, giảm 13,7%.
Thông thường, hoạt động XK tháng 1 và 2 đầu năm kém sôi động bởi đây là thời điểm các DN trong nước nghỉ Tết Nguyên đán, vì thế kim ngạch XK sẽ đạt thấp. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố đó, kim ngạch XK tháng 1 năm nay giảm chủ yếu là do sự giảm giá của nhiều mặt hàng chủ lực, cũng như nhu cầu NK hàng hoá từ Việt Nam của một số thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản... đã giảm sút. Kim ngạch XK của hầu hết các mặt hàng trong tháng 1/2009 đều giảm so với cùng kỳ năm 2008. Cụ thể, hàng dệt may đạt khoảng 550 triệu USD, giảm 33,2%; dầu thô đạt 424 triệu USD, tương đương 1,4 triệu tấn, tuy tăng 12,4% về lượng nhưng giảm 52,4% về kim ngạch do giá XK dầu thô giảm 57,7%; giày dép đạt 350 triệu USD, giảm 26%; thủy sản đạt 250 triệu USD, giảm 18,6%; cà phê đạt 217 triệu USD, giảm 30,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 200 triệu USD, giảm 31,8%.
Cùng với sự sụt giảm về kim ngạch XK, kim ngạch NK hàng hóa tháng 1/2009 cũng không cao, ước đạt 4,1 tỉ USD, giảm 27,6% so với tháng trước và giảm 44,8% so với cùng kỳ năm 2008. Hầu hết các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước của tháng 1/2009 nhìn chung đều giảm so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1 tỉ USD, giảm 19,5%; xăng dầu đạt 244 triệu USD, giảm 75,2%; vải đạt 230 triệu USD, giảm 20,6%; hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 200 triệu USD, giảm 45,1%; sắt thép đạt 155 triệu USD, giảm 82,3%; chất dẻo đạt 130 triệu USD, giảm 53%; nguyên phụ liệu dệt, may, da đạt 110 triệu USD, giảm 35,9%. Theo phân tích, kim ngạch hàng hoá NK tháng 1 giảm là do giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2008, trong đó, giá xăng dầu giảm 56,2%; giá chất dẻo giảm 33,7%; sợi dệt giảm 29,2%; sắt thép giảm 9,4%.
Tuy kim ngạch NK tháng 1 không cao nhưng kim ngạch XK lại đạt thấp nên nhập siêu tháng 1 ước khoảng 300 triệu USD, thấp hơn nhiều và chỉ bằng số lẻ so với mức nhập siêu 2,3 tỉ USD của tháng 1/2008. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp, nhập siêu ở mức dưới 1 tỉ USD. Tuy nhiên, sự suy giảm này cũng chưa phải là điều đáng mừng, bởi ngoài việc giá các mặt hàng NK trên thế giới giảm mạnh thì việc NK các nguyên, nhiên phụ liệu phục vụ sản xuất cũng giảm đi là điều đáng lo ngại, nó thể hiện sự suy giảm về sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới nguồn hàng cung cấp cho XK và hơn thế nữa là vấn đề an sinh xã hội cho cán bộ công nhân lao động trong các DN.
Hiện một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh XK của Việt Nam có sự giảm sút do suy giảm kinh tế toàn cầu, các DN cần phải lưu ý rằng tại các thị trường XK chính của Việt Nam, người dân vẫn có nhu cầu hàng hóa tiêu dùng giá thấp, hơn nữa những người tiêu dùng trước đó mua hàng hóa giá đắt có thể chuyển sang mua sản phẩm của Việt Nam với giá rẻ hơn. Nói cách khác, sự dịch chuyển ưu tiên mua sắm có thể nhận thấy rõ ràng ở các thị trường NK, do đó hàng hóa XK của Việt Nam với giá cạnh tranh sẽ bù đắp thua lỗ đã được dự báo trước. Để làm tốt được việc này, ngoài việc tính toán về chi phí sản xuất, tuân thủ các hàng rào thương mại, đảm bảo tốt về chất lượng sản phẩm, Chính phủ, các hiệp hội ngành hàng, các DN cần phải có chiến lược marketing tốt, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như là xử lý các vấn đề về thuế… có như vậy mới tiếp sức cho các DN đẩy mạnh XK những tháng tiếp theo.
Vinatex
0 nhận xét