27/10/2016
Thiếu lao động sau tết là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nhiều năm qua. Thế nhưng, khi mùa sản xuất sau tết bắt đầu trở lại, tình hình thiếu lao động của các DN tại TPHCM không quá lo lắng. Đơn hàng và giá bán hàng dệt may trong quý 1-2011 có nhiều niềm vui, thuận lợi.
Lao động tại May Sài Gòn 3 luôn ổn định nhờ chính sách chăm lo cho người lao động. Ảnh: H.Nhai
Tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu
Ít có năm nào các DN dệt may lại có niềm vui như “mở cờ trong bụng” như năm nay. Việc chênh lệch tỷ giá giữa USD và VND đã phần nào tạo thêm niềm phấn khích cho những DN xuất khẩu trong dịp đầu năm. Với chênh lệch này, các DN xuất khẩu như dệt may sẽ có thêm thuận lợi. Đặc biệt đối với các DN xuất khẩu 100%. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều DN dệt may, mức chênh lệch này không mang lại quá nhiều thuận lợi cho DN. Vì hiện nay, DN xuất khẩu sẽ được thanh toán bằng USD, tuy nhiên, DN không thể rút nhiều để quy đổi, hưởng chênh lệch tỷ giá, vì phần lớn các giao dịch đều phải sử dụng USD. DN mua nguyên phụ liệu để sản xuất phải thanh toán bằng USD, thậm chí khi mua nguyên phụ liệu ở các công ty trong nước cũng phải thanh toán bằng USD.
Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex) cho biết, sự biến động mạnh của giá bông sợi trong năm qua đã đẩy giá nguyên phụ liệu dệt may tăng lên 15%-20%. Với những đơn hàng FOB (mua đứt, bán đoạn), DN có thể đàm phán, bán giá phù hợp với đà tăng chi phí, đối với các đơn hàng gia công, nhà nhập khẩu cũng chịu tăng giá lên 5%-10% so với cùng kỳ năm 2010. Hiện nay Garmex đã có đơn hàng sản xuất đến cuối năm 2011, dự kiến kế hoạch tăng trưởng doanh thu xuất khẩu trong năm 2011 lên khoảng 700 tỷ đồng, so với 631 tỷ đồng trong năm 2010.
Hiện nay, chi phí đầu vào sản xuất dệt may tại các nước như Trung Quốc, Thái Lan… tiếp tục gia tăng. Chính phủ Thái Lan đang khuyến khích DN dệt may Thái Lan chuyển đầu tư sản xuất dệt may ra nước ngoài, đích nhắm là các nước láng giềng. Nhiều vùng sản xuất dệt may tại Trung Quốc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu, tăng lương cho người lao động lên 10%-20% trong năm 2011… Đây cũng là một cơ hội cho các DN dệt may VN. Thực tế, dù chi phí nhân công và sản xuất tại VN đã tăng lên trong những năm gần đây nhưng vẫn còn thấp so với nhiều nước.
Tại thời điểm này, nhiều DN khẳng định đang dư thừa đơn hàng để sản xuất. Cơ hội, thuận lợi đang đến nhưng DN chỉ lo không đủ năng lực, lao động để sản xuất. Ngoài ra, sự điều chỉnh về nguồn cung của thị trường hàng dệt may trên thế giới đang đặt lợi thế rất lớn cho VN. Nhờ vậy, trong năm 2010, dệt may VN đã vượt đích ngoài dự kiến, dẫn đầu top những ngành xuất khẩu chủ lực của VN với kim ngạch 11,2 tỷ USD. Với những thuận lợi này, dệt may VN đặt mục tiêu sẽ đạt khoảng 13 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2011.
Thiếu lao động và gia tăng chi phí đầu vào
Theo ghi nhận từ các DN dệt may tại TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ, lượng lao động về quê đón tết, trở lại làm việc sau tết khá nhiều, không quá căng thẳng như những năm trước. So với những ngành sử dụng nhiều lao động khác như da giày, dệt may vẫn còn may mắn hơn rất nhiều vì theo nhiều DN da giày ở Bình Dương, Đồng Nai, lao động trở lại làm việc sau tết chỉ được 60%. Hiện nay tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, các DN phải đua nhau căng bản tuyển dụng, mỗi doanh nghiệp tìm cách tung “chiêu” để tuyển được lao động vào làm việc.
Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát (Bình Dương) cho biết, các DN dệt may, da giày tại Bình Dương đã đưa ra rất nhiều chính sách tiền lương, đời sống để thu hút lao động. Trong quá trình cạnh tranh lao động cũng đã đẩy mức lương tuyển dụng tăng lên. Nhiều DN đưa ra mức lương bình quân khoảng 3,7 - 3,8 triệu đồng/tháng, công nhân vào làm việc sau một tháng sẽ hưởng lương 3,2 triệu đồng/tháng… Việc thiếu lao động sau tết vẫn là vấn đề nan giải của nhiều ngành nghề có sử dụng nhiều lao động và việc này càng nghiêm trọng hơn đối với ngành dệt may, da giày.
Tình hình chung là vậy, tuy nhiên, có rất nhiều DN dệt may tại TPHCM khá yên tâm trong những ngày sau tết. Vì công nhân trở lại làm việc sau tết gần như đầy đủ và càng vui hơn khi công nhân về quê nghỉ tết lại rủ rê thêm bạn bè, người thân vào cùng làm việc. Một số DN như May Sài Gòn 3, Garmex không thiếu mà bỗng dưng có thêm lao động! Số lao động được bạn bè, người thân rủ vào làm việc tại những công ty này lên đến 100 người.
Những trường hợp ngoại lệ như thế này thường rơi vào những DN lớn, có chính sách tiền lương, chăm lo đời sống cho người lao động tốt nên giữ và thu hút được lao động. Garmex cho biết, để khuyến khích tinh thần làm việc cho người lao động trong dịp đầu năm, dù nghỉ tết 2 tuần, lao động vẫn được tính lương 80.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, trong hơn 2 tuần làm việc còn lại của tháng 2-2011, lương sản phẩm của công nhân sẽ được thưởng gấp đôi.
Việc tăng tỷ giá đã mang lại thuận lợi thấy rõ cho DN xuất khẩu dệt may, thế nhưng DN dệt may lo ngại việc tăng này sẽ kéo theo việc tăng giá khác và sẽ đẩy giá dịch vụ, sinh hoạt tăng lên. Việc này cũng là áp lực gây khó khăn cho DN sản xuất, vì muốn giữ được người lao động, DN cũng phải điều chỉnh mức lương, những chính sách hỗ trợ khác cho người lao động.
Sggp.org.vn
Tag: Textile industry, textile company, textile fabric, vai, vải, gia công, gia cong, hoàng dũng, bảo hộ, bao ho, thời trang, thoi trang, dệt may, vải đồng phục, det may, đồng phục, dong phuc, cong ty det, the fabric, may mặc, may mac.
0 nhận xét