27/10/2016
FPT hiện là cổ phiếu đầu ngành công nghệ và cũng là cổ phiếu blue-chip trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
FPT hoạt động dựa trên bốn lĩnh vực chính: Công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông, thương mại và bán lẻ và giáo dục. Trong đó, lĩnh vực công nghệ và bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Mảng CNTT hiện hưởng lợi từ kinh nghiệm hoạt động trên thị trường toàn cầu của FPT và chi phí nhân công giá rẻ so với các quốc gia khác trong khu vực. Trong khi đó, mảng bán lẻ kỳ vọng duy trì tăng trưởng cao nhờ chiến dịch mở rộng chuỗi bán hàng trên toàn quốc.
Lĩnh vực gia công phần mềm của FPT tiếp tục tăng trưởng ấn tượng nhờ chi phí nhân công giá rẻ so với đối thủ trên thế giới và kinh nghiệm hoạt động tại nhiều quốc gia của FPT.
Tuy nhiên, năm 2016 doanh thu kỳ vọng tăng trưởng chỉ 7,5% do sự sụt giảm trong mảng phân phối, đây là mảng có đóng góp 44% doanh thu năm 2015 cho FPT. Mảng phân phối được dự báo giảm 17,4% so với năm 2015 do thay đổi chính sách bán hàng của Nokia và Apple.
Doanh thu CNTT, viễn thông và bán lẻ ước tính tăng lần lượt 19,2%, 26,3% và 33,1%. Trong đó, gia công phần mềm được dự phóng tăng trưởng khoảng 50% trong năm 2016.
Biên lợi nhuận trước thuế các mảng CNTT, Viễn thông, phân phối và bán lẻ lần lượt được giả định tại 11,9%, 15,9%, 3,0% và 2,9%. Biên lợi nhuận mảng viễn thông bị giảm 390 điểm cơ bản do chi phí đầu tư vào dự án quang hóa, với ước tính chi phí đầu tư này trong năm 2016 sẽ vào khoảng 1.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, biên lợi nhuận của mảng viễn thông cũng bị ảnh hưởng bởi quy định trích lập 1,5% doanh thu vào quỹ viễn thông công cộng. Biên lợi nhuận trước thuế mảng bán lẻ kỳ vọng sẽ tăng từ 2,3% lên 2,9% nhờ hiệu quả theo quy mô.
Do đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2016 ước tính đạt lần lượt 43.020 tỷ đồng và 3.176 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.128 tỷ đồng, tương ứng với EPS khoảng 4.800 đồng.
Việc đồng Yên bị mất giá cũng có thể làm doanh thu gia công phần mềm từ thị trường Nhật không như kỳ vọng.
Theo ICTNews
0 nhận xét