27/10/2016
Tới thăm nhà truyền thống Ngành Dệt May Việt Nam (Nam Định), một trong những ấn tượng mạnh mẽ để lại trong long khách tham quan, đó là hình ảnh những người phụ nữ trong lao động và chiến đấu. Lịch sử phát triển ngành dệt may gắn liền với hai cuộc chiến tranh chống giặc Pháp và Mỹ, giành lại độc lập tự do và thống nhất đất nước, do đó bên cạnh việc sản xuất, người dệt may còn chiến đấu, đặc biệt là những người phụ nữ dệt may anh dũng.
Có thể thấy qua hình ảnh trưng bày trong Nhà truyền thống Ngành DMVN, từng sự kiện đấu tranh lịch sử với sự tham gia của các nữ công nhân. Khởi đầu từ sự kiện 25-3-1930,khi tên đốc công Rine vô cớ lấy tay đánh đập anh Phạm Văn Chi công nhân xưởng dệt Nam Định bị trọng thương, sau đó phạt anh 5 hào và đẩy xuống hồ gần xưởng nhuộm. Sau đó 4000 công nhân đình công kéo vào dinh Tổng đốc để tố cáo đốc công đánh đập anh Chi. Hơn 4000 công nhân đã nổi dậy đấu tranh đòi thực dân Pháp tăng lương, giảm giờ làm. Trước sức ép của công nhân, bọn chủ Pháp đã đàn áp, bắt bừa 3 công nhân trong đám biểu tình. Đồng chí Nguyễn Thị Hợi, một đảng viên Cộng sản ở nhà máy sợi, là công nhân máy con vào nhận ca sáng,tới cổng nhà máy thấy công nhân đang ùa ra cổng vừa chạy vừa hô “tây đánh người”, đồng chí đã hòa vào dòng người đang rầm rập kéo đến dinh Tổng đốc, đến sở Cẩm vào nhà giam đòi trả những người bị bắt. Đồng chí Hợi đã xông lên trước mũi súng của địch và kêu gọi mọi người “tất cả hãy đoàn kết, xiết chặt hàng ngũ, vững bước đấu tranh”. Sau 21 ngày biểu tình, công nhân cũng buộc được bọn chủ Pháp nhượng bộ một số yêu sách. Chính vì những ý nghĩa lịch sử đó, năm 2010, Thủ tướng đã quyết định lấy ngày 25-3 làm ngày truyền thống của ngành Dệt May Việt Nam.
Khẩu đội pháo 100 ly do nữ công nhân Nguyễn Thị Minh Nguyệt - đoàn viên thanh niên làm khẩu đội trưởng với đa số pháo thủ là nữ. Sáng ngày 22-7-1972 đơn vị đã chiến đấu một trận ác liệt, kéo dài từ 7h sáng đến 11h trưa. Một số đồng chí vì mệt và vì tiếng nổ của những quả pháo quá mức chịu đựng đã bị ngất xỉu, tỉnh dậy các đồng chí lại tiếp tục chiến đấu. Trong trận đấu kiên cường náy đơn vị đã bắn rơi máy bay F4 và phối hợp với đơn vị thành phố bắn rơi hai chiếc khác. Sự kiện đặc biệt này đã làm nức lòng cán bộ, đảng viên công nhân viên chức toàn nhà máy hăng hái thi đua sản xuất và chiến đấu với khí thế sục sôi.
Hưởng ứng phong trào “sản xuất 10 triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt” cả nhà máy dệt Nam Định đã phấn đấu ngày đêm và đã vượt 1 triệu 74 vạn mét vải trước thời gian quy định. Với những thành tích đó trong hai năm liên tục 1967-1968, B2 được Bộ công nghiệp công nhận là lá cờ đầu trong ngành dệt. Đặc biệt là chị Đào Thị Hào đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Là một thợ dệt, một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, chị Hào đã bền bỉ đứng 24 máy dệt Thụy Sỹ, chị luôn luôn dẫn đầu nhà máy về năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời có nhiều sáng kiến có giá trị cao trong thao tác nối sợi, đi tua “hoa hồng”, xử lý máy tiết kiệm điện, chạy suốt dở và nhất là dũng cảm bám máy sản xuất tìm ra phương pháp hãm máy nhanh khi báo động không để bị dập thoi, đứt sợi… Chị đã góp phần đào tạo nhiều công nhân tay nghề cao. Năm 1967 chị đã vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Chị Nguyễn Thị Thạc, 24 tuổi, Đảng Lao Động Việt Nam, công nhân đứng máy con ở tổ 6, kíp C, nhà B xưởng sợi, nhà máy sợi Nam Định, là chiến sỹ thi đua 3 năm liền, là thợ trẻ có tinh thần học tập cao, hăng hái nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, áp dụng kinh nghiệm tiên tiến của nước bạn. có sáng kiến hợp lý hóa động tác rút ngắn thời gian đi tua kiểm tra máy, tăng công suất máy. Có sáng kiến cải tiến phương pháp nối sợi, dẫn đầu năng suất trong nhà máy, nâng mức đứng cọc sợi ngang từ 300 cọc lên 1200 cọc (bằng 1300 cọc sợi dọc), đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nêu kỷ lục của nhà máy đuổi kịp những người thợ đứng cọc sợi giỏi ở nước bạn. Năm nào chị cũng vượt mức kế hoạch, có tác dụng lôi cuốn phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch của nhà máy.
Chị Nguyễn Thị Hiếu, đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, tổ trưởng tổ sản xuất số 1 máy dệt tự động kíp C xưởng dệt B. Ba năm liền là chiến sỹ thi đua, chị đã hăng hái học tập, áp dụng sáng tạo kinh nghiệm tiên tiến của chuyên gia và anh chị em cùng nghề, nêu cao tinh thần vượt mọi khó khăn, hợp lý hóa thao tác, nhờ đó chị rất tinh thông nghề nghiệp luôn xung phong tình nguyện đi đầu trong phong trào đứng thêm máy, từ 6 máy lên 15 máy, 18 máy rồi 24 máy, dẫn đầu về năng suất lao động, vượt mức kế hoạch hàng nghìn mét vải mỗi năm, chất lượng tốt, chị đã xây dựng tổ của mình trở thành tổ tiên tiến. Chị Hiếu còn có nhiều thành tích về xây dựng chi đoàn thanh niên lao động nhà máy và là một đội viên tự vệ bắn súng giỏi được bộ tư lệnh quân khu Hữu ngạn tặng bằng khen. Chị phấn đấu trở thành Anh hùng lao động khi mới tròn 22 tuổi.
Tất cả những gương mặt nữ trong Nhà truyền thống Ngành DMVN đều còn trẻ tuối, nhưng đã nỗ lực vượt mình để sản xuất giỏi và chiến đấu anh dũng trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất của chiến tranh, những gương mặt phụ nữ dệt may ấy đã góp phần tạo dựng nên truyền thống sống và lao động anh hung cho Ngành, là tấm gương sáng cho các thế hệ sau học tập và phấn đấu không ngừng.
0 nhận xét