27/10/2016
Số liệu tình hình xuất khẩu 10 tháng đầu năm của Bộ Công thương cho thấy, dệt may vẫn là ngành chiếm vị trí ngôi đầu khi kim ngạch xuất khẩu đến thời điểm này đã vượt xa mục tiêu đề ra cho cả năm 2011 là 500 triệu USD. Tại cuộc giao ban xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2011 của Bộ Công thương tổ chức hồi đầu tháng 11, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đã nhận định, sau khi đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1,5 tỷ USD vào tháng 8 thì hai tháng 9 và 10, ngành dệt may đã duy trì xuất khẩu ở mức ổn định khoảng 1,3 tỷ USD. Ước tính kim ngạch xuất khẩu cả năm 2011 sẽ đạt khoảng 13 - 13,5 tỷ USD, trong đó ba thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành dệt may Việt Nam là Mỹ (chiếm khoảng 51% tổng kim ngạch xuất khẩu), EU (17%) và Nhật Bản (12%). Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, kim ngạch xuất khẩu cao và theo xu hướng năm sau tăng hơn năm trước, song thị trường xuất khẩu mặt hàng dệt may không phải toàn thuận lợi. Cụ thể: hai thị trường chính của dệt may Việt Nam là Mỹ và EU đều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nguy cơ khủng hoảng nợ công vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu cải thiện. Vì thế, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, hoạt động xuất khẩu dệt may các tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn do biến động về tài chính, tiền tệ, cắt giảm chi tiêu... từ các thị trường này.
Khó khăn chồng khó khăn
Khó khăn trên thị trường thế giới là một phần, còn một khó khăn mà ngành dệt may thường xuyên phải đối mặt, và dường như chưa bao giờ có thể vượt qua được đó là sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập. Ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam chưa bao giờ thôi trăn trở về vấn đề nguyên liệu bông cho ngành dệt may. Theo ông Sơn, sản xuất bông tại Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 2 - 3% nhu cầu xơ bông của ngành sợi (yêu cầu 400.000 tấn/năm). Do vậy, để phục vụ cho ngành kéo sợi, các doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu. Điều này có nghĩa rằng, ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập. Vì thế, giá nguyên liệu đầu vào tăng, sẽ tác động rất lớn và trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Những khó khăn về điều kiện khí hậu cũng như diện tích, địa lý... đang là những trở ngại cho việc mở rộng diện tích vùng trồng bông của nước ta. Nếu được tạo điều kiện tối đa từ phía Nhà nước và chính quyền địa phương, ngành bông của ta cũng chỉ đáp ứng được 10%. Nói như vậy, rõ ràng ngành bông sợi trong nước đang rơi vào tình thế không thể tự bảo đảm được nguồn nguyên liệu. Điều đó đồng nghĩa với việc, ngành dệt may sẽ tiếp tục phải chịu chi phí đầu vào cực cao để đạt được những kết quả như đang có.
0 nhận xét