27/10/2016
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phải đi liền với nâng cao giá trị gia tăng của từng sản phẩm. Có như vậy, trong tương lai, dệt may mới trở thành mặt hàng có sức cạnh tranh cao, bền vững trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tăng trưởng gắn với chất lượng
Năm 2011, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 12,5 - 13 tỷ USD. Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp (DN) duy trì khách hàng hiện có, tiếp tục tìm kiếm thị trường, khách hàng và dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Sau nhiều năm tăng trưởng xuất khẩu bình quân 30%/năm, hàng may mặc Việt Nam chính thức lọt vào top 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Hiện nay, nhiều DN dệt may đã ký được đơn hàng cho đến hết quý II/2011, thậm chí là đến hết năm 2011. Đơn giá gia công cũng tăng 10 - 20% so với năm 2010.
Ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10, cho biết, đối tác và khách hàng nhiều là cơ hội để các DN dệt may Việt Nam lựa chọn những đơn hàng với các mặt hàng có giá trị gia tăng cao để ký kết. Việc ký được các đơn đặt hàng này là tín hiệu khá mừng cho các DN.
Tuy nhiên, lâu nay, ngành dệt may vẫn bị coi là “đi trên đôi chân của người khác” vì có tới 95% nhu cầu xơ bông, 70% nhu cầu sợi tổng hợp, 60% nhu cầu vải dệt thoi… cho toàn ngành phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chưa kể, thị trường nội địa đang bị yếu thế so với xuất khẩu và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi xuất khẩu gặp khó khăn. Do đó, để hội nhập toàn diện vào WTO, theo ông Lê Quốc Ân – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may trong nước phải có sự “chuyển đổi về chất”.
Và để thực hiện được mục tiêu kể trên, ông Vũ Đức Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: “Ngành dệt may phải phấn đấu hoàn thành 8 chương trình trọng điểm, về đầu tư sản xuất nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư hạ tầng và nguồn nhân lực…”.
Quá trình cụ thể hoá những chương trình này cần thiết phải có sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía Chính phủ như chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài; chính sách hỗ trợ di dời các xí nghiệp về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; miễn thu thuế GTGT đối với vải cung cấp cho may mặc xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu dệt may, Trung tâm đào tạo chất lượng cao và hợp tác quốc tế để cập nhật cho cán bộ về kiến thức hội nhập và tranh chấp quốc tế… Đây cũng là những kiến nghị của VITAS nhằm giúp ngành dệt may Việt Nam hội nhập và đứng vững trên “biển lớn”.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Nhằm tạo đột phá về năng suất, công nghệ trong sản xuất, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng mua máy móc thiết bị hiện đại. Ngành cũng sẽ tập trung liên kết những DN xuất nhập khẩu, tổ chức lại việc cung ứng nguyên phụ liệu trong nước; triển khai đề án xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại đủ tiêu chuẩn thay cho các thiết bị nghiên cứu thử nghiệm chất lượng hàng dệt may đã cũ.
Hiện nay giá trị thặng dư của nhiều DN dệt may cũng tăng rất nhanh do nâng tỉ lệ sử dụng nguyên phụ liệu trong nước.
Một số DN ở một số tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án di dời sản xuất ra khỏi khu vực nội thành để tăng năng lực sản xuất; tăng cường đầu tư chiều sâu, hợp tác với các đối tác nước ngoài để đầu tư sản xuất vải dệt thoi, vải dệt kim cao cấp, giúp ngành chủ động về nguyên liệu, có thể tăng trưởng và phát triển bền vững.
Để giải quyết bài toán nguyên phụ liệu cho ngành dệt may tăng trưởng bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015”.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã dự kiến dành hơn 1.400 tỷ đồng cho các chương trình trọng điểm này. Hiện Tập đoàn đã triển khai 2 trong số 8 dự án trồng bông nguyên liệu, nhằm hình thành vùng nguyên liệu 2.000 ha.
Ngoài ra, Tập đoàn Dệt may Việt Nam còn phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất sợi tổng hợp tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) công suất 600 tấn/ngày, dự kiến năm 2012 đi vào sản xuất, đáp ứng 100% nhu cầu xơ, sợi tổng hợp cho ngành dệt; xây dựng 4 Khu công nghiệp dệt, nhuộm tại Ninh Bình, Nam Định, Long An và Trà Vinh nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may.
Bên cạnh đó, việc phát triển công nghiệp phụ trợ là vấn đề cấp bách, là một hướng đi đúng nhằm chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu cho sản xuất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới.
Chinhphu.vn
Tag: Textile industry, textile company, textile fabric, vai, vải, gia công, gia cong, hoàng dũng, bảo hộ, bao ho, thời trang, thoi trang, dệt may, vải đồng phục, det may, đồng phục, dong phuc, cong ty det, the fabric, may mặc, may mac.
0 nhận xét