27/10/2016
Năm 2015 được đánh giá là năm khá khó khăn cho dệt may XK bởi sau khi tăng trưởng trở lại vào quý 2 và quý 3, lượng đơn hàng đã giảm dần khi bắt đầu vào quý 4. Khó khăn được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra bởi doanh nghiệp (DN) đang đứng trước 2 thách thức lớn là khó tìm địa điểm đầu tư các nhà máy nhuộm vải và thời điểm tăng lương tối thiểu dự kiến đang đến rất gần.
Khó tìm địa điểm đầu tư các nhà máy nhuộm vải
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may trong 10 tháng đầu năm 2015 đạt 17,3 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự kiến, năm 2015, tăng trưởng XK dệt may sẽ đạt khoảng 9 - 11%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 18% của năm ngoái.
Tại buổi giao ban tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 10 và 10 tháng đầu năm diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Hoàng Vệ Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho hay, trong năm nay, Vinatex đã triển khai nhiều hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng để chuẩn bị đón đầu các hiệp định thương mại đã được ký kết. Cụ thể, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy sợi như Phú Cường, Dệt Quảng Nam… tập đoàn cũng chuẩn bị xây dựng khu công nghiệp tập trung đặt tại Nam Định. Nhiều dự án nhà máy may cũng hoàn thành và chuẩn bị đi vào hoạt động như nhà máy may tại Bạc Liêu, Cần Thơ, Tuyên Quang, Thái Bình.
“Để tận dụng tốt nhất những cơ hội khi ký kết TPP, ta phải hoàn thiện được chuỗi khép kín sản xuất dệt may. Hiện nay, từ sợi đến dệt đã được kết nối nhưng khâu hoàn tất vải rất khó khăn bởi hầu như đi đến địa phương nào, các dự án nhuộm vải cũng bị từ chối vì nước thải rất độc hại” - ông Hoàng Vệ Dũng cho hay.
Giải quyết khó khăn kể trên, ông Hoàng Vệ Dũng đề xuất: “Nhà nước cần đứng lên chủ trì xây dựng một khu xử lý nước thải tập trung để “gỡ khó” cho các DN dệt may trong khâu vải – khó khăn lớn nhất của DN khi hội nhập”.
Tăng lương - gánh nặng cho DN
Song song với những khó khăn trong khâu vải, tiền lương tối thiểu là vấn đề lo ngại của các DN trong những năm tới. Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2016 ở mức 16% của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang khiến các DN ngành dệt may như ngồi trên đống lửa. Bởi theo các DN, mức tăng lương trong năm 2015 đã kéo theo mức tăng đáng kể các chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn, gây ra gánh nặng cho DN. Bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho hay: “DN không chỉ nộp bảo hiểm trên lương cơ bản mà cả tổng thu nhập. Một số DN trước đây trả lương theo thang lương Nhà nước, khi chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần, lương tăng rất cao. Nếu việc tăng lương tối thiểu được thực hiện theo đúng lộ trình (1/1/2016), nhiều DN dệt may sẽ phải đóng cửa vì không chịu nổi chi phí tăng thêm”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 phân tích, với mức tăng lương phải thực hiện trong năm 2015, riêng chi phí đóng bảo hiểm xã hội mà DN phải bỏ ra thêm để đóng cho người lao động là 15 tỷ đồng, người lao động phải đóng thêm 4,85 tỷ đồng. Nếu năm 2016, lương tối thiểu tăng thêm 16% thì phí đóng bảo hiểm mà DN phải bỏ ra thêm sẽ là 10 tỷ đồng, người lao động cũng sẽ phải đóng thêm khoảng 4,5 tỷ đồng nữa. Đây thực sự là thách thức lớn do từ đầu năm đến nay, DN dệt may gặp nhiều khó khăn do đồng Euro mất giá so với đồng USD và đơn hàng giảm.
“Ngành dệt may vốn là ngành tạo ra công ăn việc làm lớn cho xã hội. Nếu các DN dệt may đóng cửa đồng nghĩa với việc nhiều người lao động sẽ không có công ăn việc làm. Do đó, Hiệp hội và các DN đề xuất thời điểm tăng lương giãn hơn để DN giảm bớt khó khăn trong thời điểm này” - ông Hoàng Vệ Dũng cho hay.
Theo stockbiz.vn
0 nhận xét