27/10/2016
1 nhận xét
Ngày 29 - 30/06/2016, tại Khách sạn Reverie Sài Gòn, TP. HCM Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) đã phối hợp với Công ty Quốc tế (ECV) tổ chức Hội nghị Quốc tế Diễn đàn Dệt May Việt Nam - lần thứ II. Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện được tổ chức thường niên tại Trung Quốc và Việt Nam, thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp dệt may trong và ngoài nước.
Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch; ông Nguyễn Sơn – Phó chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam; ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam; PGS. TSKH Nguyễn Xuân Nguyên – Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan ban ngành; các chuyên gia; diễn giả và đại diện các doanh nghiệp dệt may trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, các diễn giả cao cấp đến từ Cục Xuất nhập khẩu, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, Hiệp hội Bông Sợi và Dệt May Việt Nam, các Tập đoàn, Thương hiệu thời trang toàn cầu như: PVH Group, New Balance, New Wide Group, H&M, Dyecoo… và các chuyên gia kinh tế hàng đầu, cũng như các chuyên gia đầu ngành về dệt may, lao động, môi trường… đã cập nhật thông tin, chia sẻ kiến thức về tình hình dệt may trong nước và quốc tế, các chính sách và Hiệp định Thương mại Quốc tế liên quan đến ngành dệt may, cũng như các tiêu chuẩn môi trường của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả, sản xuất tinh gọn và kỹ thuật dệt may sáng tạo, cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may…
Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và đạt được sự tăng trưởng ổn định. Đặc biệt nhờ chi phí lao động cạnh tranh và các chính sách ưu đãi, Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, trong đó có dệt may. Với đà phát triển mạnh mẽ, dệt may đã trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Việc Việt Nam đã và sẽ tham gia các Hiệp định TPP, EVFTA, RCEP…, hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may và sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe các bài tham luận chuyên sâu của các diễn giả cao cấp và tham gia thảo luận nhóm sôi nổi về lợi thế cạnh tranh, thách thức và xu hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam cho biết, Ngành Dệt May Việt Nam có nhu cầu rất lớn về vải xuất khẩu, tuy nhiên do “nút thắt cổ chai” tại khâu dệt nhuộm của chuỗi cung ứng, trong nước chỉ sản xuất được 2,8 tỷ m² vải, trong khi nhu cầu cần để sản xuất 8,9 tỷ m² vải, do đó Việt Nam phải nhập khẩu hơn 6 tỷ m² vải, chiếm hơn 60%, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, vì vậy, ngành dệt may Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Theo dự báo của các chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đến năm 2025, ngành kéo sợi Việt Nam phải có được 17,9 triệu cọc sợi và 12 tỷ m² vải. Để sản xuất được số lượng sợi và vải trên, Ngành Dệt May Việt Nam cần 22 tỷ USD đầu tư vào ngành. Chính vì vậy, Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư, đặc biệt lĩnh vực đầu tư vào ngành dệt vải, đón đầu cơ hội khi TPP có hiệu lực.
Ông Nguyễn Sơn – Phó Chủ tịch Bông Sợi Việt Nam chia sẻ, Ngành Dệt May Việt Nam đang đứng trước những cơ hội từ các Hiệp định Thương mại, tuy nhiên cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Theo ông Sơn, Ngành Dệt May Việt Nam phát triển nhanh nhưng không đồng đều, vải phát triển nhanh nhưng ngành dệt, nhuộm hoàn tất còn phát triển chậm, lượng vải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ Trung Quốc và tạo ra “nút thắt cổ chai” ở khâu nhuộm và hoàn tất, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 50%. Ngành công nghiệp xem như mất cân bằng, quy trình cắt may chiếm tỷ lệ chính khoảng 70%, quản lý sản xuất trình độ công nghệ còn thấp. Công ty trong ngành chủ yếu vừa và nhỏ, mức đầu tư thấp, trang thiết bị hạn chế, nhiều rào cản thương mại, kỹ thuật, quy định hóa chất, bảo hiểm xã hội… đã dẫn đến nhiều khó khăn cũng như chi phí tăng cao, giảm khả năng cạnh tranh so với Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh…
Phân tích về cơ cấu dân số và đặc điểm lao động của Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, độ tuổi của lao động, cơ cấu lao động và cơ cấu lao động theo vùng kinh tế của Việt Nam rất phù hợp cho ngành dệt may, do lao động trẻ từ 15 đến 29 tuổi chiếm tỷ lệ lớn (26%), lao động nữ ở nông thôn có tới 17,8 triệu, trong đó 25% dưới 39 tuổi, lao động tại các vùng ngoài thành phố lớn còn dồi dào. Mặt khác, lao động dệt may không yêu cầu trình độ chuyên môn cao nên tiền lương của lao động tương đối thấp, đây là cơ hội để thu hút đầu tư vào dệt may. Tuy nhiên, ngành dệt may cũng sẽ cạnh tranh gay gắt hơn cả về thị trường hàng hóa và thị trường lao động, dễ rơi vào bẫy sản xuất với giá trị gia tăng thấp, rào cản về kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu, quy định về xuất xứ, tiêu chuẩn về lao động… Nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng thấp, thiếu lao động trình độ cao cho các khâu đầu tư thượng nguồn như vải, dệt, nhuộm…Ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh, cơ hội không thể tốt hơn khi kết hợp giữa hội nhập sâu rộng với “Cơ cấu dân số vàng”.
Diễn đàn Dệt May Việt Nam - lần thứ II là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp, đối tác khách hàng gặp gỡ, giao lưu, kết nối khởi tạo cơ hội kinh doanh, tiếp nhận những phân tích chuyên sâu về Ngành Dệt may Việt Nam, từ đó tránh được những rủi ro và đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, giúp cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hội nhập sâu vào ngành công nghiệp dệt may thế giới.
Cẩm Hà
Tesst
10/11/2016