27/10/2016
Trong bối cảnh sụt giảm chung của ngành công nghiệp cả nước và Hải Phòng, các doanh nghiệp (DN) da giày, dệt may Hải Phòng không tránh khỏi khó khăn
Với đặc thù của ngành thu hút nhiều lao động, những khó khăn của DN tác động trực tiếp tới hàng vạn lao động. Dù đã cố gắng, nỗ lực, tự vượt lên nhưng các DN vẫn mong muốn có sự trợ giúp thiết thực về cơ chế, chính sách và một số vấn đề khác để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Khó khăn nhiều
Được coi là một trong những DN “ đầu đàn” của ngành giày dép, nhưng đại diện Công ty TNHH Đỉnh Vàng lo ngại khi sản xuất quý 1 sụt giảm khá nhiều. Tại công ty Sao Vàng, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ còn bằng 67% so với cùng kỳ, doanh thu chỉ bằng 72%. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do đơn hàng bị sụt giảm, không ít đơn hàng bị chuyển đổi sang các nước khác trong khu vực.
Cùng chung nỗi lo này, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Da giày Hải Phòng Bùi Văn Luyện cho biết: đơn hàng của công ty cũng bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Điều này là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, các thị trường nhập khẩu lớn các sản phẩm da giày của Việt Nam như EU và Mỹ đều đang đình trệ và vì thế, DN giày dép Hải Phòng không tránh khỏi cái khó
Với ngành dệt may, Phó tổng giám đốc Công ty May Hai Đỗ Nam Hải lo lắng khi tình hình SXKD ngày càng khó khăn và phải dùng tới từ “hoang mang, lo sợ”, cho dù May Hai là một DN may khá vững vàng của Hải Phòng. Trăn trở của ông Đỗ Nam Hải cũng như các DN giày dép khác không chỉ nằm ở đơn hàng mà vì sự cạnh tranh giữa việc sản xuất sản phẩm da giày, dệt may xuất khẩu tại Việt Nam đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt với các nước trong khu vực.
Theo các DN, tất cả những gì trước đây được coi là lợi thế, sức hút để thu hút bạn hàng quốc tế của Hải Phòng cũng như của Việt Nam thì nay đang bị mai một, thậm chí mất hẳn. Trong đó, đáng kể nhất là giá nhân công rẻ, giờ đang trở nên đắt mà cũng không tuyển đủ lao động. Công ty Đỉnh Vàng phải cho xe đi tuyển và đón lao động từ các tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn về làm việc, tuyển cả người dân tộc, có thời điểm công ty có công nhân của 18 dân tộc cùng làm việc.
Thế nhưng công ty không đủ và biến động lao động thường xuyên trong khoảng 800- 1000 người. Để đáp ứng đủ nhu cầu lao động, Công ty Da giày Hải Phòng phải tổ chức nhiều chuyến xe đưa đón công nhân từ Tiên Lãng, Vĩnh Bảo ra nội thành làm việc, phát sinh thêm nhiều chi phí, nhất là khi giá xăng dầu tăng cao. Theo ông Đỗ Nam Hải, Phó tổng giám đốc Công ty May Hai thì mức thu nhập bình quân của công nhân công ty năm 2011 lên tới 4,5 triệu đồng/ người/ tháng. Năm nay công ty không dám “ hứa hẹn” gì về tăng thu nhập đối với người lao động. Nếu không có đủ lao động thì cũng đành tìm cách khác vì DN thực sự đã “gồng” hết sức.
Khó khăn của DN da giày, dệt may chưa hết khi còn phải đối mặt với lãi suất ngân hàng tăng cao; sức ép về tiền lương liên tục tăng. Kèm theo đó là các khoản về BHXH, phí công đoàn và gần đây là thuế đất và cả thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…
Xác định đúng vị trí ngành hàng
Các DN cùng chung một băn khoăn là vị trí của ngành, DN da giày và dệt may hiện đứng ở đâu trong quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố, hướng phát triển của 2 ngành như thế nào, có được khuyến khích, ưu tiên hay không?
Thực chất, trong nhiều năm qua, ngành da giày, dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của thành phố. Tuy giá trị gia tăng của cả 2 ngành mang lại chưa lớn, số nộp ngân sách không cao nhưng hiệu quả xã hội thì không thể phủ nhận khi tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động. Đó là chưa kể tới việc 2 ngành này đóng góp một tỷ trọng khá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Trong khi đó, đầu tư cho một nhà máy da giày, dệt may không lớn, hiệu quả thu hồi vốn cũng khá rõ. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, xác định rõ hướng phát triển sẽ giúp DN có biện pháp phù hợp hơn. Các DN mong thành phố sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là tiền thuê đất, thời gian đóng tiền BHXH, có thêm chính sách ưu tiên đối với DN sử dụng nhiều lao động nữ. Về tổng thể, cũng cần hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường nước ngoài và nên giữ lại một số ưu thế vốn có của Hải Phòng để thu hút khách hàng.
Theo các DN, mức lương công nhân của Hải Phòng hiện xếp ở vùng 1, ngang bằng với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là mất đi một ưu thế đáng kể. Hơn nữa, ngay cả các vùng Tiên Lãng, Vĩnh Bảo cũng xếp vào vùng 1 trong khi kế bên cạnh một số huyện của Hải Dương, Thái Bình lại được xếp vùng 3 nên giảm đáng kể khả năng cạnh tranh, gây khó cho DN Hải Phòng. Trong khi đó, xu hướng các DN nước ngoài chuyển dần đầu tư sang các nước chung quanh ngày càng rõ vì nhân công rẻ như Băng- la- đét giá nhân công chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/ tháng; Mi- an- ma chỉ hơn 2 triệu đồng…
Điều đáng nói là trong khó khăn, các DN da giày, dệt may của Hải Phòng vẫn có nhiều nỗ lực, cố gắng, tự xoay xở, tìm cách giải quyết. Một số DN có sự chuyển hướng phù hợp, gắn kết giữa sản xuất và dịch vụ thương mại như Công ty Da giày Hải Phòng nên có sự ổn định. Hơn lúc nào hết, DN đang cần sự hỗ trợ của thành phố, của Nhà nước về cơ chế, chính sách, về khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, về đất đai và nhiều vấn đề khác mà DN đang loay hoay để giúp cho sự tồn tại của DN cũng là bảo đảm an sinh xã hội bởi mỗi DN đều gắn với đời sống của vài nghìn lao động.
Theo stox.com
Tag: Thoi trang, dệt may, vải đồng phục, det may, đồng phục, dong phuc, cong ty det, the fabric, may mặc, may mac.
0 nhận xét