27/10/2016
Để nhanh chóng cứu dệt may, một ngành sản xuất đang sử dụng lực lượng sản xuất đông đảo, Bộ Tài chính đã rà soát và đưa ra ý kiến về 7 nhóm kiến nghị mà Tập đoàn Dệt May “xin” Chính phủ.
Để có cơ sở giải quyết các kiến nghị của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Tập đoàn), Bộ Tài chính đã có cuộc họp với Tập đoàn, Hiệp hội dệt may (Hiệp hội) và tham khảo ý kiến các bộ ngành chức năng có liên quan. Mới đây, Bộ đã có văn bản chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm của mình về các kiến nghị liên quan đến thuế và thủ tục hải quan.
Thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị nhập khẩu vật tư và ủy thác gia công xuất khẩu: giãn 6 tháng
Theo Bộ, vấn đề thuế GTGT đối với thiết bị vật tư nhập khẩu và ủy thác gia công xuất khẩu đã được các văn bản pháp luật quy định rất rõ. Trước 1/1/2009, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT số 07/2003/QH 11 quy định máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được, cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định không chịu thuế GTGT khi nhập khẩu. Tuy nhiên, kể từ 1/1/2009, Luật thuế GTGT số 13/2008/QH 12 quy định thiết bị tạo tài sản cố định cho doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế GTGT mức 10%. Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, ngày 21/1/2009, Thủ tướng Chính phủ đã bàn hành QĐ 16/2009/QĐ-TTg quy định máy móc thiết bị là tư liệu sản xuất thuộc diện được giảm 50% mức thuế GTGT.
Để khắc phục khó khăn đối với số thuế GTGT phải nộp ở khâu nhập khẩu, doanh nghiệp có 2 cách:
- Khấu trừ ngay khi xác định số thuế phải nộp của tháng. Trường hợp doanh nghiệp có số thuế đầu vào được khấu trừ hết trong thời gian 3 tháng liên tục thì doanh nghiệp được hoàn lại theo quy định.
- Doanh nghiệp có thể được hỗ trợ lãi suất tín dụng theo quy định tại QĐ 14/2008/QĐ-TTg. Tuy nhiên, trong trường hợp này doanh nghiệp phải mất thời gian chờ hoàn thuế, có thể kéo dài tới nhiều tháng.
Đây là khó khăn chung của tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Vì vậy, Bộ đề xuất Chính phủ ngoài việc các thiết bị được giảm 50% thuế GTGT, có thể xem xét giãn thời hạn nộp thuế trong 6 tháng để doanh nghiệp có thời gian thu xếp vốn.
Thuế GTGT bông sơ chế nhập khẩu: 5%
Khoản 2, Điều 8, Luật thuế GTGT 13/QH/2008/12 quy định bông sơ chế áp dụng thuế GTGT 5%. Bộ cũng có văn bản hướng dẫn, trong đó bông sơ chế được xếp vào nhóm 1401 với mức thuế suất là 5%. Tuy nhiên mặt hàng bông theo Danh mục HS và Danh mục Biểu thuế được xếp tại 2 chương (14 và 52). Theo cách hiểu tại Chương 52 chỉ bao gồm các sản phẩm bông nên mức thuế GTGT là 10%. Vì vậy, Bộ sẽ xem xét điều chỉnh thuế GTGT nhóm 52.01, 52.02, 52.03 xơ bông đã chải thô hoặc chải sơ (sơ chế) áp dụng mức thuế 5%.
Thuế thu nhập doanh nghiệp từ quý IV-2008: giảm 30%
Hiện các doanh nghiệp dệt may, da giày thuộc diện nhỏ và vừa đã được giảm, giãn thuế TNDN theo Nghị quyết 30/2008/NQ-CP (giảm 30% thuế TNDN phải nộp quý 4/2008 và thuế phải nộp năm 2009, giãn thời hạn nộp thuế 9 tháng cho 70% số thuế phải nộp còn lại). Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, Bộ nhận thấy số doanh nghiệp da giày, dệt may nhỏ và vừa chiếm khoảng 60% tổng số doanh nghiệp dệt may, da giày. Như vậy doanh nghiệp dệt may da giày thực tế được giảm 30% thuế TNDN chỉ chiếm khoảng 40%. Vì vậy Bộ đồng ý với đề xuất của Tập đoàn dệt may. Cụ thể, giảm 30% số thuế phải nộp của quý 4/2008 tính trên thu nhập từ hoạt động dệt may, da giày.
Giãn hạn nộp thuế thu nhập cá nhân đối với quỹ tiền lương còn lại chuyển sang năm sau
Theo Bộ, kiến nghị này của Tập đoàn đã được giải quyết. Ngày 18-2-2009, Bộ đã có công văn số 1823/BTC-TCT và 1845/BTC-TCT hướng dẫn các khoản thu nhập từ lương, tiền công, tiền thưởng, có nguồn gốc phát sinh từ kết quả sản xuất kinh doanh năm 2008, nhưng được chi trả sau ngày 1-1-2009 được áp dụng tính và nộp theo Luật thuế thu nhập cá nhân và thuộc diện được giãn nộp thuế theo hướng dẫn tại Thông tư 27/2009/TT-BTC ngày 6-2-2009.
Giảm thuế nhập khẩu thiết bị cho các dự án đầu tư vào thời điểm khó khăn về tài chính và lãi suất cao: đề xuất từng trường hợp
Theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định 149/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật này thì ngoài các đối tượng thuộc diện miễn thuế, xét miến thuế đã được quy định tại điều 16 và 17 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì chỉ có các đối tượng là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang trong quá trình giám sát của hải quan nếu bị hư hỏng, mất mát được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định, chứng nhận mới được xét giảm thuế.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 145/2005/NĐ-CP thì: đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan và các trường hợp khác thì Bộ trình Chính phủ xem xét quy định miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với từng trường hợp. Vì vậy Tập đoàn cần có văn bản cụ thể riêng về vấn đề này để Bộ trình Chính phủ xem xét quyết định từng trường hợp.
Miễn thuế nhập khẩu vải tiết kiệm
Bộ đã có công văn 2964/BTC-TCHQ ngày 18/3/2009 hướng dẫn thống nhất về thuế nhập khẩu đối với phế liệu, phế phẩm gia công dệt may. Bộ cũng cam kết sẽ ghi nhận ý kiến “Thực hiện miễn giảm đơn giản hơn dựa trên cơ sở mức 3% cho phép của lượng vải sử dụng và ấn định khi nhập vải vào phục vụ sản xuất, xuất khẩu” của Tập đoàn để nghiên cứu, sửa đổi trong quá trình hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Đơn giản hơn thủ tục hải quan và thanh khoản thuế vật tư nhập khẩu
Bộ đang soạn thảo thông tư mới để thay thế các thông tư hiện hành theo hướng cải cách thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Vinatex
0 nhận xét