27/10/2016
Lương thấp, làm thêm giờ, cuộc sống tinh thần thiếu phong phú, môi trường làm việc độc hại, ít thời gian chăm lo cho gia đình...… đang là những vấn đề gây áp lực rất lớn đến đời sống lao động nữ trong ngành dệt may Việt Nam.
Việc làm thêm 2-3 giờ/ngày, làm cả thứ 7, chủ nhật đã quá quen thuộc đối với công nhân nữ trong ngành dệt may. Dù làm việc với cường độ cao, môi trường lao động ồn ào, tổn hại đến sức khỏe, song thu nhập của lao động nữ vẫn còn rất thấp.
Chia sẻ về những vấn đề này, chị Đặng Thị Hiền - nhân viên Công ty Cổ phần VIKO - cho biết: Để đảm bảo kế hoạch sản xuất của công ty và do nhu cầu tăng thu nhập, chị và các đồng nghiệp nữ phải chấp nhận làm thêm giờ, đặc biệt những lúc sắp tới thời điểm chuẩn bị giao hàng, công nhân thường làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật.
Cường độ và thời gian làm việc cao khiến người lao động mệt mỏi. Bên cạnh đó, công việc gia đình cũng ngổn ngang. Chính bởi thế, sau khi kết thúc công việc, họ không còn hứng thú tham gia các hoạt động thể thao, giải trí cũng như không quan tâm đến việc nâng cao đời sống tinh thần.
Đấy chính là nguyên nhân của thực trạng nhiều lao động nữ bỏ nghề, khiến doanh nghiệp lao đao vì thiếu nhân lực. Không chỉ vậy, lao động còn phải chịu sức ép về phía gia đình. Ông Phí Ngọc Trịnh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm - chia sẻ: Tại nhiều địa phương, lao động nữ vừa phải làm việc, vừa phải làm ruộng khi đến thời điểm cấy, gặt. Tình trạng này ảnh hưởng đến năng suất của công ty và thu nhập của người lao động. “Nhưng công ty vẫn bố trí, sắp xếp, tạo điều kiện cho lao động nữ nghỉ trong thời điểm đó” - ông Trịnh nói.
Trước thực tế trên, lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may phải xây dựng nhiều biện pháp góp phần cải thiện đời sống cho lao động nữ, đồng thời giữ được chân người lao động. Theo bà Trương Bạch Mai - Chánh văn phòng, Thành viên thường trực Ban Vì sự phát triển của phụ nữ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong điều kiện cạnh tranh lao động hiện nay, muốn giữ lao động, nhất là đối với lao động có tay nghề, doanh nghiệp phải có một loạt các biện pháp, trong đó, biện pháp quan trọng nhất là tăng lương. Nhưng, đây thực sự là bài toán khó trong bối cảnh lạm phát đang ảnh hưởng tiêu cực và nghiêm trọng tới sản xuất của doanh nghiệp. Ông Phí Ngọc Trịnh cho biết: Do nhu cầu của các thị trường Mỹ, EU giảm, đơn hàng của công ty đã giảm 30%. Cộng thêm gánh nặng tăng lương sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Giá sản phẩm trên thị trường thế giới chỉ ở mức độ nhất định, thậm chí còn giảm do “trăm người bán, một người mua”. Nếu cứ liên tục tăng lương, nhiều công ty dệt may khó có thể trụ nổi.
Trong “cuộc chiến” giành và giữ lao động này, doanh nghiệp phải quan tâm đến đời sống người lao động một cách thực tế. Hiện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may muốn xây dựng nhà trẻ cho con em người lao động, giúp họ yên tâm công tác. “Rất mong Nhà nước xem xét hỗ trợ về quỹ đất xây dựng nhà trẻ và cung cấp giáo viên hệ mầm non cho một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ” - bà Mai bày tỏ mong muốn.
Một vấn đề khác, đó là nhà ở. Đây thực sự là gánh nặng rất lớn đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Bà Trương Bạch Mai trăn trở: “Một công nhân nữ ra thành phố làm việc, sau khi lấy chồng mà cả hai đều làm công nhân thì chuyện mua được nhà ở là điều không tưởng. Nên chăng Nhà nước xây nhà cho công nhân thuê với giá rẻ?”.
Chăm lo cho lực lượng nữ lao động trong ngành dệt may đòi hỏi không chỉ trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn cả sự hỗ trợ thực tế từ phía Nhà nước. “Hai bàn tay” này hợp lại mới mong cải thiện được cuộc sống của lao động nữ trong ngành.
Theo baocongthuong.com.vn
Tag: Textile industry, textile company, textile fabric, vai, vải, gia công, gia cong, hoàng dũng, bảo hộ, bao ho, thời trang, thoi trang, dệt may, vải đồng phục, det may, đồng phục, dong phuc, cong ty det, the fabric, may mặc, may mac.
0 nhận xét