Hàng năm, ngành dệt may Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD nhập khẩu bông phục vụ sản xuất trong nước, điều đó đã và đang ảnh hưởng lớn tới sức cạnh tranh cũng như giá trị gia tăng của ngành.
Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, từ năm 2009 trở lại đây diện tích trồng bông cũng như sản lượng bông xơ của cả nước đã có những cải thiện đáng kể. Cụ thể, nếu như năm 2009 diện tích trồng bông của cả nước chỉ đạt 8.761ha và sản lượng bông xơ đạt 3.903 tấn, sang năm 2010 con số này đã tăng lên 10.470ha và 4.695 tấn, đến năm 2011 diện tích trồng bông của cả nước đã đạt 11.260ha và sản lượng bông xơ tăng lên 4.864 tấn.
Lý giải về sự chuyển mình của ngành bông trong nước những năm gần đây, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho rằng: Sở dĩ ngành bông có được sự khởi sắc như ngày hôm nay là nhờ sự đồng tâm hiệp lực của cả ngành dệt may Việt Nam trong việc thực hiện Quyết định số 29/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển cây bông vải đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, với sự gia tăng đầu tư, tăng cường mối liên kết giữa DN và người trồng bông, sự ủng hộ của nhà nước thông qua các cơ chế ưu đãi và đặc biệt là việc Tập đoàn dệt may đã mạnh dạn triển khai sản xuất thử nghiệm theo mô hình bông trang trại với 2 kỹ thuật tưới nhỏ giọt và tưới xả tràn… đã đưa ngành bông tăng trưởng cả về diện tích và sản lượng.
Tuy nhiên, theo lời chia sẻ của ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Mặc dù sản lượng bông trong nước đã có sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây nhưng nếu so với nhu cầu tiêu thụ bông cho sản xuất của ngành dệt may hiện nay khoảng 400.000 tấn/năm thì con số này vẫn còn quá nhỏ. Và hàng năm ngành dệt may Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu bông, điều này đã và đang ảnh hưởng lớn tới sức cạnh tranh cũng như giá trị gia tăng của ngành. “Bông là nguyên liệu đầu vào rất quan trọng, chủ động được nguyên liệu bông sẽ giúp ngành dệt may tiết giảm được chi phí cũng đồng nghĩa với việc giảm nhập siêu cho đất nước”, ông Nghị nhấn mạnh.
Nhưng làm thế nào để cây bông có thể phát triển kịp với nhu cầu của ngành dệt may trong khi khoảng cách cung - cầu quá xa như hiện nay. Ông Nghị cho rằng, lời giải cho vấn đề này chính là làm sao giúp cho các DN ngành bông đủ lực để đẩy mạnh sản xuất và một cơ chế tài chính hay nguồn vốn đầu tư phù hợp sẽ được coi là giải pháp trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Theo tính toán của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, để chương trình phát triển cây bông vải thực hiện theo đúng mục tiêu đến năm 2015 diện tích trồng bông đạt 30.000ha, sản lượng bông xơ đạt 20.000 tấn, đến năm 2020 đạt 76.000ha diện tích và sản lượng đạt 60.000 tấn thì cần nguồn vốn đầu tư khoảng 33,264 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, với vai trò là đơn vị hạt nhân thực hiện chương trình phát triển cây bông, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ lập ra quỹ bình ổn giá thu mua bông hạt cho người trồng bông. Quỹ bình ổn giá được sử dụng trong trường hợp giá bông trên thị trường giảm thấp hơn chi phí sản xuất hay giá bông trong nước thấp hơn giá bông thế giới khiến DN, người trồng bông bị thua lỗ. Như vậy việc thành lập quỹ bình ổn sẽ không chỉ giúp người trồng bông không bị thua lỗ mà còn giúp tạo được mối liên kết bền chặt giữa DN và người trồng bông; Cho các DN trong ngành vay với lãi suất ưu đãi để mua bông hạt cho người trồng bông.
Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng trang trại trồng bông tập trung và hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, tưới tiêu, bảo quản, sơ chế… nhằm nâng cao hơn nữa năng suất trồng bông và hướng tới một ngành sản xuất bông chuyên nghiệp, bền vững. Tăng cường công tác nghiên cứu nhằm tìm ra những giống bông, phương pháp canh tác cây bông mang lại năng suất, chất lượng cao. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu và lực lượng khuyến nông cây bông…/.
Theo: ven.vn
0 nhận xét