27/10/2016
Sau nhiều năm phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu, doanh nghiệp dệt may đang khấp khởi vì một số dự án đầu tư sản xuất xơ, sợi quy mô lớn trong nước đã được đưa vào hoạt động.
Mặc dù đang trong giai đoạn vận hành, chạy thử, nhưng từ tháng 12/2011 đến nay, Pvtex đã có 4 đợt chào giá cạnh tranh, bán được hơn 20.000 tấn sản phẩm xơ sợi các loại ra thị trường.
Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho hay, dù chưa phải là chính phẩm, nhưng hiện đã có một số DN thuộc Vinatex bắt đầu dùng thử sản phẩm xơ sợi loại 2 của Pvtex.
Theo kế hoạch, năm 2012, Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ sẽ cung ứng cho ngành dệt may 150.000 - 175.000 tấn xơ sợi, đáp ứng 40% nhu cầu về xơ sợi cho ngành dệt may trong nước, nâng mức chủ động về nguồn cung xơ sợi nội địa lên 70%.
Năm 2011, nguồn cung trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu (tương ứng 120.000 tấn), trong khi nhu cầu cần tới 450.000 tấn. Để đủ nguyên liệu đầu vào sản xuất hàng xuất khẩu, các DN dệt phải nhập khẩu toàn bộ số xơ sợi còn lại từ các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ với giá trị trên 1,3 tỷ USD.
Còn thống kê trong quý I năm nay, dù kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2011 đã giảm 2,4% về lượng và 13% về trị giá, nhưng vẫn đạt xấp xỉ 350 triệu USD.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho hay, nếu cung cấp đủ 175.000 tấn xơ sợi tổng hợp, thì chỉ tính riêng nguồn cung từ Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, năm 2012, ngành dệt may sẽ giảm được ít nhất 350 triệu USD nhập khẩu.
Hiện cả nước có 3.700 DN dệt may, trong đó 17% là doanh nghiệp dệt, nhưng không phải tất cả DN dệt may đều được hưởng lợi từ nguồn cung xơ sợi trong nước. Nguyên nhân là không phải nhà máy mới nào đi vào hoạt động cũng đều là nguồn cung cấp cho DN trong nước, bởi sản phẩm dành cho xuất khẩu vốn chiếm tỷ trọng lớn.
Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần May Việt Thắng cho biết, nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may bông xơ và sợi phụ thuộc rất nhiều vào kênh nhập khẩu. Đặc biệt, nửa đầu năm 2011, giá xơ sợi trên thế giới tăng chóng mặt, cùng tỷ giá biến động, đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của DN.
“Giá tăng, nhưng DN vẫn phải nhập khẩu để đảm bảo sản xuất hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Có thêm nguồn cung từ các nhà sản xuất trong nước, DN sẽ chủ động hơn nhiều trong sản xuất, đàm phán hợp đồng xuất khẩu với giá cả cạnh tranh”, ông Ngọc nói và cho rằng, khi gia tăng được nguồn cung cấp xơ sợi và các loại nguyên phụ liệu tại chỗ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, thì ngành dệt may sẽ nâng cao được khả năng cạnh tranh.
Theo baodautu.vn
Tag: Cotton, bông xơ, bong xo, xơ sợi, dệt nhuộm,nhuộm gia công, công nghệ dệt
0 nhận xét