27/10/2016
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, tiếp tục duy trì thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới là một trong những giải pháp giúp DN dệt may vượt qua khó khăn, bảo đảm việc làm, thu nhập và đời sống của hàng trăm nghìn lao động.
Ðơn hàng sản xuất giảm
Nhận định về tình hình sản xuất kinh doanh của các DN dệt may, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Vũ Ðức Giang cho biết, sáu tháng đầu năm nay, ngành dệt may Việt Nam có thể bị giảm 10%-15% sản lượng, 20%-30% kim ngạch xuất khẩu và số lao động bị cắt giảm tạm thời có thể khoảng 100 nghìn người. Chỉ có một số ít DN có thương hiệu và mối quan hệ truyền thống với các nhà nhập khẩu lớn mới có thể thu xếp đơn hàng để sản xuất đến tháng 4 (so với những năm trước là đến tháng 6), còn lại hầu hết các DN vừa và nhỏ, DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài không thu xếp đủ đơn hàng sản xuất trong quý I. Một số DN phải tạm ngừng hoạt động, một số khác phải giảm lao động và giảm thời gian sản xuất khiến cho một bộ phận nhỏ công nhân giảm thu nhập, mất việc làm.
Với các DN may, đơn hàng tiếp tục giảm khoảng 20% trong quý I, giảm 15% trong quý II so với năm 2008. Còn với các DN sợi, năm 2009, thị trường sợi đã khá hơn về sức mua, nhưng giá bán tiếp tục giảm do giá vật liệu thấp và cạnh tranh giá gay gắt nên có thể sản lượng của DN sợi tăng 5%-7%, nhưng doanh thu lại có khả năng không tăng, thậm chí giảm 5-7%. Các DN dệt nhuộm đang là những DN yếu nhất của ngành, tuy nhiên đây lại là lĩnh vực hy vọng có thể phục hồi nếu giải quyết tốt vấn đề quản lý công nghệ và đáp ứng được yêu cầu của các DN Nhật Bản. Riêng các DN phân phối sản phẩm dệt may (hệ thống siêu thị và các công ty thương mại) lại chịu sức ép trực tiếp của việc mở cửa thị trường bán lẻ, do vậy cần có bước chuyển biến mạnh mẽ về phương thức kinh doanh, mạng lưới bán hàng, cũng như các hoạt động quảng bá, truyền thông "Người Việt Nam sử dụng hàng dệt may Việt Nam". Việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu - sản xuất may mặc - kênh phân phối chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra nên chưa phát huy hết lợi thế cạnh tranh của toàn hệ thống.
Mở rộng thị trường xuất khẩu mới
Trong bối cảnh khó khăn, bên cạnh việc chú trọng khai thác thị trường nội địa, thì tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu là giải pháp được nhiều DN dệt may triển khai. Tổng giám đốc Vũ Ðức Giang cho biết, Tập đoàn đã chỉ đạo các DN thành viên bám sát thị trường, khách hàng xuất khẩu hiện có, làm tốt công tác chăm sóc khách hàng để giữ vững những thị trường xuất khẩu truyền thống. Tập trung khai thác thế mạnh làm hàng chất lượng cao để tăng giá trị gia tăng, giao hàng đúng hạn, đáp ứng cả những đơn hàng số lượng ít và nhất là đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn môi trường, quan hệ lao động hài hòa... là những lợi thế để DN dệt may giữ chân khách hàng truyền thống và thu hút khách hàng mới. Bên cạnh đó, DN cũng cần tìm mọi cách giảm giá thành để có được giá bán phù hợp thị trường nhưng vẫn duy trì được lao động, thu nhập. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, sự liên kết, hỗ trợ giữa các DN là rất quan trọng. Các DN lớn có thể hỗ trợ, giúp đỡ DN vừa và nhỏ tại các địa phương, các đơn vị liên kết của tập đoàn để có đơn hàng ổn định.
Ngoài các thị trường truyền thống, các DN cũng cần năng động tìm kiếm thị trường ngách mà Việt Nam có lợi thế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến nghiên cứu thị trường ngoài nước và đặc biệt quan tâm tổ chức mời khách hàng tiềm năng vào thương lượng tại Việt Nam. Có chiến lược tiếp cận với thị trường Nhật Bản để khai thác tốt Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, đồng thời khai thác thị trường mới đầy tiềm năng tại Trung Ðông, Nam Phi, Nga.
Với sự nỗ lực của nhiều DN, ngay từ những tháng đầu năm nay, nhiều DN trong nước đã ký được những hợp đồng xuất khẩu mặt hàng sợi cao cấp, sợi trung bình sang thị trường Trung Ðông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Trung Quốc... Các mặt hàng áo giắc-két, măng-tô, vét-xtông, khăn các loại, vải cao cấp đã có thêm hợp đồng mới tại thị trường EU, Trung Ðông, Nhật Bản... Tỷ trọng sản xuất hàng FOB tăng do nhiều DN đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nguyên phụ liệu. Sản phẩm vải 100% cốt-tông cao cấp của Công ty Pang-rim, do Hàn Quốc đầu tư 100% vốn, đã được khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, EU chấp nhận làm nguyên liệu đặt hàng may mặc xuất khẩu; vải lụa, tơ tằm của Công ty dệt Thái Tuấn được xuất khẩu sang thị trường Trung Ðông; khăn cao cấp của TCT Phong Phú xuất khẩu sang Nhật Bản, EU. TCT cổ phần may Việt Tiến đã đầu tư 11 nhà máy sản xuất các sản phẩm cho hệ thống của NIKE, xuất khẩu không chỉ sang thị trường Mỹ, EU mà năm nay còn mở thêm thị trường châu Á.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội (Hanosimex) Nguyễn Thanh Bình cho rằng, những nhà sản xuất có thương hiệu, bảo đảm thời gian giao hàng thường được các khách hàng nước ngoài nhắm tới. Hanosimex còn có lợi thế là chủ động nguồn nguyên liệu trong nước (sản phẩm sợi, vải), đáp ứng yêu cầu khách hàng đặt đơn hàng với thời gian ngắn nên Tổng công ty vẫn giữ chân khách hàng Mỹ, tăng thêm các khách hàng EU. Phó Tổng giám đốc Vinatex, kiêm Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần may Hồ Gươm Ninh Thị Ty cũng khẳng định việc chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất đã giúp DN giảm lượng nguyên liệu nhập khẩu, bảo đảm thời gian giao hàng. DN hợp tác với khách hàng, lựa chọn nguyên liệu trong nước sản xuất đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm, cho nên công ty có đơn hàng sản xuất cho nhiều khách hàng có thương hiệu lớn như Mango, Zaza, Banala, Lafema, Millet của Tây Ban Nha, CHLB Ðức, Anh, Mỹ, Nhật Bản.
Công ty cổ phần Ðồng Tiến đã thu hút khách hàng từ các thị trường mới khai thác bằng những sản phẩm riêng biệt, ít bị cạnh tranh như quần áo trượt tuyết, quần lót nam, nữ... Phó Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Thị Hồng Ðức cho biết, năm 2009, mặc dù các đơn hàng vào thị trường Mỹ giảm sút nhưng do đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản, EU, cho nên các sản phẩm áo giắc-két, quần áo thể thao là những sản phẩm chủ lực của công ty vẫn có hợp đồng xuất khẩu ổn định. Hiện nay, số sản phẩm vào thị trường Nhật Bản chiếm 60%, Mỹ và EU chiếm 40%.
Ðối với Công ty may Ðức Giang, các khách hàng lớn tại thị trường Mỹ không hề giảm đơn hàng. Theo Chủ tịch HÐQT Hoàng Vệ Dũng, công tác thị trường được công ty đặc biệt quan tâm, từ khâu nghiên cứu, phân tích đến dự báo để có biện pháp kịp thời ứng phó. Từ quý II-2008, công ty nắm bắt thị trường để sớm chủ động cử cán bộ sang các thị trường đàm phán ký hợp đồng sản xuất năm 2009 trực tiếp với khách hàng, không qua trung gian, nên chi phí giảm, giá thành hạ. Nhờ đó, công ty có hợp đồng sản xuất đến quý II-2009 ngay từ đầu năm.
mofa.gov.vn
0 nhận xét