27/10/2016
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tăng tốc hoạt động. Các doanh nghiệp trong ngành cũng đang tìm đến nhau để tạo thành một chuỗi cung ứng trong sản xuất, huy động tối đa năng lực của ngành.
Tạo chuỗi cung cầu
Những ngày sau Tết Nguyên Đán, bà Hồ Thu Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phước Long, đã đôn đáo khắp nơi, huy động tối đa các mối quan hệ để đặt các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm của Công ty là các mặt hàng từ sợi tổng hợp như gấm lụa, mút-xơ-lin, vải lụa lót, vải sử dụng sợi co giãn (sợi spandex), chủ yếu cho đồ thời trang nữ. Trước đây, doanh nghiệp cũng tìm kiếm khách hàng qua các nhà cung cấp nguyên liệu trực tiếp đặt hàng cho các đơn vị may xuất khẩu. Bà Hà đã tìm đến Công ty cổ phần May xuất khẩu Tiền Tiến để chào bán các sản phẩm chủ lực của mình và hai bên bước đầu đã có những thống nhất về mặt hàng, chất lượng sản phẩm, giá cả…
Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Dụ, Tổng giám đốc May Tiền Tiến, còn đưa thêm một số mẫu mã mà doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng để đặt hàng cho Công ty Phước Long sản xuất nếu có khả năng. Những sản phẩm này May Tiền Tiến phải nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, Hồng Kông, lãnh thổ Đài Loan…
Sản phẩm chủ lực của May Tiền Tiến là các mặt hàng thời trang trung-cao cấp nữ được xuất FOB, có giá bán tương đối cao, vì thế đòi hỏi chất lượng nguyên liệu cao, ổn định, giá phải chăng. Nhiều đơn hàng hiện nay May Tiền Tiến tự tìm nguyên liệu, thiết kế mẫu và chào bán hàng.
Khách hàng không quan tâm đến nguồn gốc nguyên liệu và chỉ giám sát chất lượng sản phẩm đúng theo mẫu mã đã chào. Đó là cơ hội cho việc sử dụng nguyên phụ liệu trong nước thay thế nhập khẩu và thực tế May Tiền Tiến cũng đã mua hàng triệu USD nguyên liệu vải và các loại phụ liệu do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, kể cả của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chuỗi cung ứng nguyên liệu đang hình thành trong ngành dệt may trong nước, với việc các doanh nghiệp đang tự tìm đến với nhau, tạo nên một thị trường nội bộ. Đáng lưu ý, một trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu dệt may của Công ty cổ phần May Sài Gòn 2 cũng đã được hình thành. Tuy nhiên, phần lớn nguyên phụ liệu bán tại đây được nhập khẩu. Hai trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu tại TPHCM và Hà Nội cũng đang được Vinatex thúc đẩy hình thành. Đặc biệt sau cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu ngành dệt may bám sát chiến lược phát triển đã được phê duyệt để đầu tư phát triển ngành và đảm bảo việc làm cho 5 triệu lao động trong vài năm tới.
Chọn sản phẩm để tăng tốc đầu tư
Tuy nhiên, chương trình tăng tốc đầu tư ngành dệt may đã được Thủ tướng xử lý tháo gỡ khó khăn để đáp ứng nhiều yêu cầu của ngành này, nhưng mọi việc không đơn giản. Vấn đề là cần sự tâm huyết và một cái nhìn khoa học để lựa chọn những mặt hàng chủ lực của Việt
Bà Dụ cho biết thêm, quá trình làm trong những năm qua cho thấy, vải thành phẩm và các loại nguyên phụ liệu giá thành thường cao hơn giá nhập khẩu từ một số nước trong khu vực. Nhưng đáng lo hơn, chất lượng vải nguyên liệu không đồng đều, lẫn nhiều tạp chất mới là nỗi chua chát, dù rất muốn ủng hộ hàng trong nước nhưng vì thế mà chi phí tăng, khả năng bị trả hàng về rất cao.
Giám đốc một doanh nghiệp kể với chúng tôi về một sự cố mới xảy ra trước Tết, khi doanh nghiệp này mua vải kha ki của một doanh nghiệp dệt trong nước để sản xuất quần kha ki xuất khẩu. Mẫu mã chào hàng khá tốt, khách chấp nhận, thế là đặt hàng. Nhưng khi triển khai sản xuất thì vải nguyên liệu bị nhiều lỗi, ánh màu khác nhau trên cùng một đoạn vải, có nhiều tạp chất… Để kịp thời hạn giao hàng, cùng với doanh nghiệp dệt điều chỉnh quy trình sản xuất, thì doanh nghiệp này cũng phải bỏ thêm tiền test màu, thuê công nhân những ngày áp Tết giá cao để soi và nhổ tạp chất lẫn trong nền vải, chi phí tăng thêm mỗi ngày hàng chục triệu đồng.
Không chỉ doanh nghiệp kể trên, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành cho biết, nếu sử dụng nguyên liệu trong nước sẽ hội đủ nhiều yếu tố thuận lợi, chủ động được nguồn hàng,đáp ứng được thời gian, thậm chí có thể gối đầu tiền mua nguyên liệu… Thế nhưng sản phẩm trong nước cũng phải đa dạng về chất liệu, ổn định về chất lượng thì mới đáp ứng yêu cầu.
Đặc biệt, trong hướng phát triển tới, ngành dệt may cần định rõ những sản phẩm thời trang chủ lực, từ đó mới khuyến khích đầu tư các loại nguyên liệu phù hợp như nhóm sản xuất vải cho thời trang nữ (thường sử dụng sợi polyetes), vải cho thời trang nam (sợi cotton), vải Denim (vải jean)... để mua máy dệt, hệ thống xử lý hoàn tất nhuộm và in hoa, làm bóng, xử lý độ co giãn, độ mềm vải…
Đồng thời, cũng chính từ định hướng chính xác này ngành sẽ tổ chức đào tạo nhân lực đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, một yếu tố rất quan trọng để sản phẩm nguyên liệu có chất lượng cao và ổn định mà hiện nay nhiều doanh nghiệp tuy có thiết bị hiện đại nhưng cũng phải bó tay, chưa tạo ra được nguyên liệu cao cấp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Vinatex
0 nhận xét