27/10/2016
Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 1,15 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2008. 70% doanh nghiệp (DN) XKDM chỉ mới có đơn hàng sản xuất đến tháng 3-2009. Tình hình sản xuất của DN DM đang trong thế chờ đợi đơn hàng. Hơn 2 triệu lao động của ngành DM cũng rơi vào cảnh đối mặt với việc giảm thu nhập và thất nghiệp.
Chỉ cần huề vốn
Như đã dự báo, ngành dệt may xuất khẩu (DM XK) trong năm 2009 đang đối mặt với nhiều khó khăn. Các thị trường chủ lực của Việt Nam (VN) như Mỹ, EU sụt giảm mạnh. Hầu hết các nhà nhập khẩu (NNK) đều ép giảm giá, nhiều đơn hàng DN buộc phải giảm 10%. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách tích cực hỗ trợ DN XK, nhưng DN vẫn chưa thể thoát được cảnh hồi hộp, chờ đợi đơn hàng từ NNK. Tại buổi làm việc mới đây của Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM, các DN DM tại TPHCM cho biết, hầu hết các DN chỉ mới nhận đơn hàng sản xuất đến tháng 3-2009 và các đơn hàng đều giảm 30% - 50% so cùng kỳ.
Việc ngưng đơn hàng vào thời điểm này là một cú sốc lớn đối với các DN. Ông Đoàn Xuân Mai, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Bình Minh bày tỏ, DN đang rất lo lắng, vì nếu khách hàng xác nhận sẽ ngưng đơn hàng 2 tháng thì DN sẽ “chết”! Có người ví von, trong tình cảnh hiện nay, DN DM VN giống như người lái xe đi trên đường có sương mù dày đặc, tầm nhìn chỉ khoảng 2 - 3m! Các DN DM đang đặt nhiều hy vọng vào các đơn hàng mùa thu-đông, vì đây là mùa XK chính của ngành DM. Nếu DN có đơn hàng sản xuất cho hai tháng 4 và 5 thì sẽ vượt qua được khó khăn nhưng nhiều DN cho rằng độ an toàn về đơn hàng không cao, khả năng nhận được “lời xin lỗi” ngưng đơn hàng từ nhà nhập khẩu là rất lớn!
Trước tình hình trên, một số DN DM trong nước cho biết, họ phải tính đến việc nhận lại đơn hàng của các DN 100% vốn nước ngoài ở Bình Dương đang dư đơn hàng. Theo họ, làm huề vốn vẫn hơn vì công nhân có việc làm và chờ cơ hội mới.
Những doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ, thị trường chiếm khoảng 55% thị phần của hàng DM XK trong năm 2008, đang gặp khó khăn nhiều nhất. Họ cho biết, nhiều nhãn hiệu lớn, khách hàng truyền thống đã giảm đến 50% đơn hàng trong 2 tháng đầu năm.
Kế đến là thị trường EU, do đồng euro mất giá nên XK vào thị trường này cũng bị ép giá. DM XK vào thị trường Nhật Bản có dấu hiệu khả quan hơn khi các NNK đã chuyển bớt đơn hàng từ Trung Quốc sang VN để được hưởng thuế quan ưu đãi của Hiệp định thương mại Việt - Nhật. Công ty cổ phần SX-TM May Sài Gòn cho biết, hiện các NNK đã tăng gấp đôi đơn hàng XK sang Nhật. Nhưng thị trường chiếm khoảng 10% thị phần XK này lại tạo ra nhiều e ngại cho DN VN bởi Nhật là một thị trường cực kỳ khó tính, để có được đơn hàng, các DN phải cố gắng rất nhiều.
Thị trường mới: vẫn là tiềm năng
Việc mở rộng, xúc tiến XK vào các thị trường mới đang là việc làm ưu tiên cho các ngành XK của VN trong thời điểm này, trong đó các thị trường Nga, châu Phi, Trung Đông đang là đích ngắm. VN sẽ tổ chức một hội chợ hàng VN XK tại Nga trong tháng 9-2009. Kim ngạch XK của VN sang Nga trong năm 2008 đạt trên 700 triệu USD. Và VN đang đặt nhiều hy vọng sẽ nâng kim ngạch XK lên 1 tỷ USD trong năm 2009.
Nhiều dấu hiệu lạc quan cho XK DM vào Nga khi có nhiều đoàn DN Nga vào tìm hiểu cơ hội hợp tác trong thời gian gần đây. Nga đã là thị trường truyền thống của VN trong thập niên 80 và việc xâm nhập trở lại thị trường truyền thống này cũng là điều tất yếu. Hiện hàng DM XK vào Nga chủ yếu là đơn hàng FOB (mua đứt, bán đoạn). Nhiều DN XK hàng DM sang Nga cho biết, đây là thị trường rất tiềm năng cho hàng DM, khá dễ tính, đơn giá hấp dẫn.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh XK vào Nga, cần có tháo gỡ về chính sách vĩ mô giữa 2 nước. Trở ngại lớn nhất là việc thanh toán qua hệ thống ngân hàng chính thức vẫn chưa “mở”. Thuế nhập khẩu vào Nga rất cao, đến 20 USD/kg hàng hóa.
Ngoài Nga, châu Phi và Trung Đông cũng đang là thị trường rộng cửa, cơ hội cho hàng DM VN. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ở 2 thị trường này, DN VN cũng gặp nhiều trở ngại. Với châu Phi, đây được xác định là thị trường cấp thấp. Ở đây, điểm yếu là DN VN không thể cạnh tranh về giá cả với hàng DM Trung Quốc.
Trong khi đó, thị trường Trung Đông vẫn còn rất mới với hầu hết DN VN. Dường như DN VN vẫn “mù tịt” về thị trường này. Muốn xúc tiến, mở rộng thị trường, DN VN phải bắt đầu nghiên cứu tập quán, sở thích, cách ăn mặc của người dân sở tại.
Với hầu hết các DN DM, phương án sản xuất hàng nội địa xem ra không khả thi. Các công ty sẽ không cạnh tranh lại với các cơ sở tư nhân vì may công nghiệp chi phí sẽ cao hơn nhiều so với các hộ sản xuất tư nhân. Hơn nữa, thị phần của thị trường đã có một số công ty chiếm lĩnh.
0 nhận xét