27/10/2016
Từ những năm 1990 đến nay, nguồn cung hàng của ngành may mặc thế giới luôn dịch chuyển đến những nước có chi phí sản xuất thấp, và đang tiếp tục đến những nước có lao động giá rẻ như Bangladesh. Vậy ngành dệt may Việt Nam có bị mất lợi thế khi giá lao động ngày càng tăng>
Ông David Collins, Giám đốc của Hiệp hội bông Mỹ (CCI – Cotton Council International), cùng các đại diện của các hiệp hội sản xuất, xuất khẩu bông Mỹ đã đến TPHCM để gặp gỡ các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam hôm 30-9.
Ông David Collins đã đưa ra một số thông tin về xu thế ngành dệt may thế giới. Trong đó, nguồn cung hàng của ngành dệt may đã và đang tiếp tục chuyển sang các nước có chi phí thấp. Cụ thể như, từ 1990 đến 2009, tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm dệt may và may mặc của Mỹ và châu Âu trong thương mại ngành dệt may toàn cầu đã giảm từ 36% xuống còn 23%. Trong khi đó, tỷ lệ này của tổng cộng ba nước, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh, tăng từ mức 11% lên thành 38%, theo số liệu của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Thời báo Kinh tế Sài gòn Online đã trao đổi với ông David Collins về việc liệu Việt Nam có bị đẩy ra ngoài cuộc dịch chuyển của ngành dệt may khi chi phí sản xuất ở Việt Nam ngày càng tăng cao.
TBKTSG Online: Ông có nói đến việc hiện nguồn cung hàng dệt may đang tiếp tục dịch chuyển sang các nước có giá nhân công rẻ, như Bangladesh. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?
- Ông David Collins: Xu thế là người ta luôn tìm nơi chi phí thấp để sản xuất. Hiện ở Trung Quốc, lương cũng đã tăng cao, và người ta đi tìm những nơi thay thế khác như Việt Nam, cũng giống như Mỹ trước kia (sản xuất may mặc của Mỹ đã chuyển sang các nước châu Á có mức lương thấp - pv).
Tại Việt Nam giờ lương cũng đang tăng, và các công ty cũng tìm đến những nơi gia công có chi phí thấp hơn, như Bangladesh. Đó là chiến lược của ngành may mặc thế giới.
Số liệu thống kê cho thấy, lượng nhập khẩu của Mỹ từ các nước như Việt Nam, Bangladesh, Campuchia đang tăng cao. Đó cũng là do chi phí sản xuất tại những nước này thấp.
TBKTSG Online: Việt Nam có nên lo ngại khi doanh nghiệp tìm những vùng đất giá rẻ khác, như Bangladesh?
Tôi thấy ngành may mặc của Việt Nam có nền tảng phát triển tốt, và vẫn đang phát triển tốt. Trong tương lai gần, ngành may mặc Việt Nam vẫn rất mạnh, và chúng tôi trông đợi là ngành sẽ tăng trưởng. Ngành kéo sợi của Việt Nam cũng đang có lợi thế cạnh tranh về giá rẻ, và đang phát triển mạnh hơn.
TBKTSG Online:: Nhưng giá lao động ở Việt Nam đang tăng cao, và lợi thế giá rẻ sẽ không còn nữa?
- Nhìn chung thì hiện lương vẫn thấp. Và, hãy nhìn Trung Quốc, hãy nghĩ đến ngành sản xuất dệt may của họ, nó lớn đến mức nào, và giờ việc sản xuất này đang chuyển ra khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều. Ý tôi là, có nhiều dư địa cho các nước khác trong ngành may mặc thế giới.
Tôi nghĩ trong thời gian dài nữa thì, Việt Nam, Campuchia hay Bangladesh sẽ vẫn có lợi thế dù lương ở các nước này đều đang tăng. Chúng tôi vẫn nghĩ Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của mình khi mà Trung Quốc vẫn đang tiếp tục chuyển dần việc gia công may mặc ra khỏi đất nước họ.
Xin cảm ơn ông.
Ông David Collins đã đưa ra các số liệu của Cơ quan dệt may (OTEXA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ (DOC), cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu dệt may của Mỹ từ Campuchia tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, từ Việt Nam, Indonesia, Honduras cùng có mức tăng 17%, từ Bangladesh tăng 16% và Trung Quốc 8%. Theo số liệu do ông Nguyễn Hồng Giang, thư ký Hiệp hội bông sợi Việt Nam, cung cấp trong bảng đơn giá sản phẩm dệt may xuất khẩu vào Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2011, hàng dệt may sản xuất tại Việt Nam có mức giá khá cao (2,18 đô la Mỹ/m2) so với Mexico (1,77 đô la Mỹ/m2), Honduras (2,04 đô la Mỹ/m2), El Salvador (2,02 đô la Mỹ/m2) và mức trung bình của thế giới (1,79 đô la Mỹ/m2). |
THeo thesaigontimes.vn
0 nhận xét