Nông dân trồng bông ở Tây nguyên an tâm với chương trình phát triển cây bông vải của Chính phủ và giá cả thu mua hợp lý của các DN chế biến bông xơ.
Từ sau năm 1975, Dak Lak-Dak Nông được quy hoạch là một trong những vùng trồng cây bông vải trọng điểm của nước ta, góp phần cùng cả nước chăm lo “cái mặc” cho nhân dân. Thời hoàng kim của cây bông vải Dak Lak-Dak Nông có diện tích lên đến gần 5.000 ha.
Do phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và việc đầu tư thâm canh chưa triệt để, năng suất trung bình của cây bông vải Dak Lak-Dak Nông chỉ đạt 1-1,2 tấn bông hạt/ha, mới bằng 60% năng suất trung bình của các nước sản xuất bông lớn trên thế giới. Với sản lượng này, khi chế biến ra chỉ được khoảng 400kg bông xơ/ha.
Bên cạnh là khâu chọn giống còn hạn chế, quy trình sản xuất chưa hợp lý nên cây bông vải sụt giảm năng suất, tỏ ra yếu thế khiến diện tích ngày càng thu hẹp, không chỉ riêng ở Dak Lak-Dak Nông mà khắp cả vùng Tây nguyên.
Còn có nguyên nhân sâu xa nữa là lợi nhuận của người trồng cây bông vải quá thấp nên họ không mặn mà với cây bông vải mà chuyển sang trồng các loại cây khác có thu nhập khả quan hơn.
Theo thống kê, diện tích trồng cây bông vải của Việt Nam có thời kỳ đã giảm sút nghiêm trọng. Đầu những năm 2000, diện tích trồng cây bông vải trên cả nước lên đến hơn 32.000 ha. Nhưng đến năm 2008 chỉ còn chưa đầy 3.000 ha. Sau đó hồi phục dần đến năm 2010 lên được khoảng 8.000 ha. Sản lượng thu hoạch chỉ đáp ứng được mới khoảng 5% nhu cầu bông xơ cho ngành sợi. Do đó có thể nói ngành dệt sợi của Việt Nam xem như phải nhập khẩu gần 100% bông xơ từ nước ngoài.
Có một nghịch lý của ngành dệt may nước ta là kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong các ngành nhưng phần nguyên liệu phải nhập khẩu chiếm tỷ trọng lên đến 67%. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 11,21 tỷ USD. Nhưng phải nhập 6,538 tỷ USD vải và xơ sợi các loại, cộng thêm nguyên phụ liệu dệt may khác hơn 1 tỷ USD nữa.
Đầu năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015. Theo đó, cây bông vải tính đến năm 2015 sẽ đạt diện tích khoảng 30.000 ha, năng suất bình quân đạt 1,5- 2 tấn/ha, và dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 76.000 ha, năng suất cũng tăng lên từ 2-2,5 tấn/ha.
Chương trình khuyến khích các doanh nghiệp chế biến ngành bông hỗ trợ người trồng bông vốn giống, vật tư phân bón, đầu tư cơ giới hóa các khâu từ làm đất đến thu hoạch, chủ động tưới nước theo hệ thống tưới tiết kiệm, triển khai công nghệ sau thu hoạch, định giá thu mua bông hạt hợp lý, nhằm tạo bước đột phá trong việc phát triển cây bông vải để đưa năng suất cây bông vải nước ta lên cao hơn nữa
Ngoài ra chương trình còn có bước thành lập quỹ bình ổn giá để ổn định giá mua bông hạt, đảm bảo lợi ích cho người trồng bông và ổn định phát triển nguồn nguyên liệu bông vải cho ngành dệt may. Nguồn hình thành quỹ được trích 2% giá thành sản xuất bông của các doanh nghiệp sản xuất bông khi giá thành sản xuất trong nước thấp hơn giá nhập khẩu và các doanh nghiệp này sản xuất kinh doanh có lãi.
Hy vọng rằng, với chương trình phát triển cây bông vải của Chính phủ và sự hỗ trợ mạnh mẽ của các doanh nghiệp thu mua chế biến bông xơ sẽ giúp một bộ phận nông dân an tâm và gắn bó lâu dài với cây bông vải và cây bông vải ở Tây Nguyên sớm trở lại thời hoàng kim.
|
0 nhận xét