Thực tế, trong nhiều trường hợp thái độ ghen tỵ, thù địch giữa các nhân viên, làm suy giảm tinh thần tập thể, giảm năng suất lao động chung, và thậm chí có thể dẫn đến các vụ kiện tụng tai tiếng gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của người quản lý và tổ chức xuất phát từ chính sự " ưu đãi" quá mức của nhà quản lý.
Tính thiên vị của nhà quản lý không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân họ, mà còn làm cho các nhân viên tự mãn, thui chột tài năng theo thời gian. Bởi vậy, hãy là người sếp chí công vô tư, bạn sẽ thu phục được nhân tâm trong toàn công ty mình.
Chắc hẳn những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn không khỏi… cay cú khi thầy cô giáo của mình luôn quan tâm, để ý một cách đặc biệt đến một vài học sinh “cưng” nào đó. Những học sinh này luôn trở thành tiêu điểm đả kích của các bạn khác trong lớp học, hành động của thầy cô bị đánh giá là thiên vị, khiến học trò mất niềm tin.
Những “cục cưng” như thế không phải là những trường hợp đặc biệt chỉ có trong phạm vi các trường học. Khi rời khỏi ghế nhà trường, đi làm và trở thành một nhà quản lý, bạn nhận ra rằng cá nhân mình cũng thường xuyên thiên vị, ưa thích, hoặc có thiện cảm với một số nhân viên nào đó. Chính những biểu hiện thiên vị của những nhà lãnh đạo như bạn đã khiến cho các nhân viên đánh mất niềm tin vào sếp của mình, ảnh hưởng rất xấu đến tinh thần tập thể.
Vì vậy, một trong những nguyên tắc quan trọng đầu tiên của nhà lãnh đạo là phải kiên quyết từ bỏ thói quen thiên vị nếu có của mình. Hãy là sếp chí công, vô tư, đối xử bình đẳng với tất cả các nhân viên trong mọi vấn đề.
“Căn bệnh” thiên vị này mang tính cá nhân cao và khá nhạy cảm. Thậm chí, bạn có thể không nghĩ rằng, những hành động, quyết định của mình, trong con mắt những người xung quanh, lại là hành vi không công bằng. Bởi vậy, bạn cần nhận diện căn bệnh thiên vị này bằng các “triệu chứng” sau đây:
Bạn nâng lương, tiền thưởng, đề bạt chức vụ cho một nhân viên nào đó, đơn giản là vì bạn thấy “có cảm tình, có ấn tượng tốt” với anh ta/cô ta, chứ không phải vì năng lực thực sự.
Ra những quyết định có lợi cho nhân viên là những người thân trong gia đình, hoặc là bạn thân của bạn trong công ty.
Lờ đi một số lỗi lầm của các nhân viên “cưng” như đi làm muộn, bỏ họp hoặc tỏ ra thiếu tích cực trong cuộc họp…
Luôn khen ngợi, biểu dương “cục cưng” của mình mặc dù những nhân viên khác cũng xứng đáng được như vậy.
Để nhận ra mình có thiên vị hay không, bạn cần phải rà soát lại các quyết định, hành động của mình một cách kỹ lưỡng. Nếu bạn thấy có một trong những biểu hiện như trên thì cần phải nhanh chóng từ bỏ cách làm việc theo cảm tính chủ quan, không công bằng của mình
Dưới đây là một số “thang thuốc” cho “căn bệnh” thiên vị của các sếp:
Tăng cường quan sát, thăm dò thái độ nhân viên. Hãy tạo nên một bầu không khí dân chủ, khuyến khích nhân viên bày tỏ những mối quan ngại của họ. Bạn hãy thử thăm dò xem, dưới con mắt của nhân viên trong công ty, thế nào là hành vi không công bằng, thiên vị. Việc tạo ra một môi trường dân chủ, cộng với tính dễ gần của sếp, các nhân viên sẽ thoải mái phản ánh với nhà quản lý những biểu hiện xấu, đồng thời không tung ra những tin đồn tai hại.
Tránh các mối quan hệ gia đình, họ hàng trong công sở. Không phải nhà lãnh đạo nào cũng dễ dàng làm được điều này. Tuy nhiên, nếu bất đắc dĩ bạn có người ruột thịt đang làm việc trong công ty mình, hãy để họ làm việc thuộc một phòng ban không trực thuộc sự quản lý trực tiếp của bạn. Mọi tiêu chuẩn, quyền lợi của “VIP gia đình” này đều ngang bằng so với các nhân viên khác.
Đưa ra các quyết định đề bạt chức vụ, khen thưởng… dựa trên năng lực nhân viên, thay vì thiện cảm cá nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để bạn từ bỏ những biểu hiện thiên vị của mình. Hãy lập nên một hệ thống, quy trình đánh giá năng lực nhân viên một cách chân thực, nghiêm túc để hỗ trợ cho các quyết định của bạn.
Hãy tỉnh táo với những câu chuyện ngồi lê đôi mách của các nhân viên. Sếp cần kịp thời nhận ra dấu hiệu mầm mống của những tin đồn không hay từ các nhân viên, cho rằng bạn là một nhà quản lý không công bằng, tư lợi. Có vậy bạn mới kịp thời chỉnh đốn, sửa sai thay vì để cho những tin đồn đó lan rộng và ngày càng gây ra nhiều ảnh hưởng xấu. Lúc đó thì dù bạn thanh minh đến mấy, mọi người vẫn có cớ… bẻ lại: “Không có lửa, làm sao có khói?
Kiểm điểm và tự đánh giá cá nhân. Bạn cần nghiêm túc nhìn nhận những quyết định, hành vi của mình để kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện thiên vị. Quan trọng là bạn sẽ hành xử ra sao với những sai lầm của mình. Hãy vận dụng kinh nghiệm lãnh đạo để giải quyết mọi thứ thật khéo léo, không làm phương hại đến uy tín cá nhân.
Chẳng hạn như việc bạn ngay lập tức bổ sung quyết định khen thưởng cho nhân viên chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn, chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi người trong công ty. Với những “cục cưng” của mình, không nhất thiết phải thừa nhận quyết định khen thưởng của mình là sai, và ngay lập tức rút lại quyết định đó. Hành động này có thể sẽ khiến họ bị tổn thương nặng nề, hơn nữa uy tín của bạn cũng vì thế mà xấu đi. Hãy giao cho họ nhiều công việc phức tạp, đòi hỏi nhiều năng lực hơn, vừa giúp họ trau dồi thêm kinh nghiệm, vừa để bạn có dịp đánh giá lại năng lực và trình độ của những nhân viên này. Lúc đó, mọi chuyện sẽ rõ ràng.
nguoilanhdao
|
0 nhận xét