27/10/2016
Theo Hiệp hội dệt may VN, dù giá trị xuất khẩu dệt may 5 tháng đầu năm tăng nhưng lợi nhuận của DN lại giảm, bởi giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao như bông, sợi, xơ…, lương công nhân cũng tăng.
Trong 5 tháng đầu năm 2011, ngành dệt may được đánh giá là dẫn đầu trong XK với kim ngạch đạt 5,1 tỉ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ. Sản xuất ổn định và tiếp tục tăng trưởng ở khâu may nhưng khâu nguyên liệu, nhất là nguyên liệu vải đang có xu hướng giảm dù nhập khẩu nguyên liệu bông, xơ, vải tăng cao.
Những diễn biến trên thị trường thế giới đã đặt các DN dệt may VN vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn trong việc thu mua, tạm trữ nguồn nguyên liệu đầu vào. |
Khó khăn vì bông nguyên liệu
Bên cạnh những khó khăn về tỉ giá ngoại tệ, các chi phí điện, nước, xăng dầu, vận chuyển tăng liên tục, thì việc giá bông tăng cao khiến nhiều DN cho biết họ còn không dám nhận những hợp đồng xuất khẩu dài hạn vì không thể dự báo được xu hướng của thị trường nguyên liệu.
Tại cuộc họp giao ban tháng 5 ngành công thương hôm 6/6, ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn dệt may VN cho biết, giá bông nhập khẩu năm 2011 tăng gấp hai lần so với năm 2010, 5 tháng đầu năm tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2010. Giá bông nhập khẩu có lúc lên tới 5-5,2 USD/kg, trong khi giá trung bình của năm 2010 là khoảng 3,2-3,3 USD/kg, tức là tăng 80-90%.
Hiệp hội bông sợi cho rằng, so với cùng kỳ 2010, giá bông đã tăng gấp đôi, diễn biến rất phức tạp. Nguyên nhân chính là do tỉ giá tăng, mặt khác một phần là kinh tế hồi phục, nhiều nhà đầu cơ thấy tiềm năng lợi nhuận trong việc đầu cơ vào thị trường nguyên liệu này đã đẩy giá bông lên.
Cơ hội từ khó khăn
Nhận định về tình hình giá bông từ nay tới cuối năm, giới phân tích cho rằng bông có khả năng sẽ tăng giá một lần nữa, nhất là trong bối cảnh thời tiết xấu có thể ảnh hưởng đến vụ mùa năm nay. Bông từng là một trong những mặt hàng có mức tăng ấn tượng nhất trong lịch sử hiện đại của thị trường hàng hóa. Chỉ trong 1 năm, bông đã tăng giá hơn 160%, từ mức 80 cent/lb hồi cuối tháng 2/2010 lên trên 2,1 USD/lb vào đầu tháng 3 năm nay. Bông từng làm nóng các trang tin hàng hóa trên khắp thế giới mỗi ngày trong 1 năm qua.
Trong khi đó, Ủy ban tư vấn bông quốc tế (ICAC) dự đoán trong niên vụ 2011-12 giá bông có thể giảm do sản lượng bông đạt mức cao kỷ lục và người tiêu dùng có thể chuyển sang dùng các loại sợi nhân tạo với giá thấp hơn.
Nhận rõ sự cần thiết của cây bông và việc phát triển ngành bông, Vinatex đã xây dựng mục tiêu phát triển ngành bông với sản lượng 40 nghìn tấn bông xơ vào năm 2015 và 60 nghìn tấn vào năm 2020. Các mục tiêu này nhằm đảm bảo an ninh nguyên liệu ngành dệt may và tiến tới đáp ứng 10 - 15% nhu cầu nguyên liệu trong nước.
Hiện Vinatex đã đầu tư trồng bông với 3 trang trại, diện tích 50 ha/trang trại, thành lập Cty cổ phần bông để trồng 2.500 ha bông. Tập đoàn cũng lên kế hoạch hợp tác với Campuchia để trồng bông. Ngoài ra, Vinatex cũng đang nghiên cứu phát triển dự án sản xuất tơ nhân tạo vitco giá trị cao và phát triển trồng rừng tại Lào. Bên cạnh đó, một số dự án sản xuất lớn của Vinatex cũng đang tích cực triển khai như: nhà máy sản xuất xơ, sợi tổng hợp tại Ninh Thuận và Đình Vũ (Hải Phòng), nâng cấp các nhà máy dệt thoi như dệt Vĩnh Phúc, Nam Định...
Trước những khó khăn về vùng nguyên liệu bông của VN, Phó Tổng giám đốc tập đoàn dệt may Lê Tiến Trường cho biết, trong tháng 6 này, tập đoàn sẽ trình Bộ Công Thương đề án quy hoạch phát triển cây bông. Đề án này đưa ra mục tiêu tới năm 2020, cả nước sẽ có 76 ngàn ha bông. Đây là lời giải quan trọng cho sự thiếu hụt bông nguyên liệu cho ngành dệt may VN.
Vietstock.vn
0 nhận xét